Thị trường

Báo Mỹ: Cứ 10 chiếc smartphone trên thế giới thì có một được sản xuất tại Việt Nam, nền công nghiệp của đất nước này là điều thần kỳ!

Tờ Brookings nhận xét rằng sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam, với những thành tích như sản xuất điện thoại thông minh với số lượng hàng đầu hay là điểm đến những gã khổng lồ của thế giới, chính là một điều thần kỳ.

Mới đây, trên website của Brookings Institution - một tổ chức nghiên cứu lâu đời có trụ sở tại thành phố Washington D.C, Mỹ, các tác giả đã có một bài viết đáng chú ý về nền kinh tế Việt Nam. Những cây viết của tờ Brookings nhận xét rằng sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam, với những thành tích như sản xuất điện thoại thông minh với số lượng hàng đầu hay là điểm đến những gã khổng lồ của thế giới, chính là một điều thần kỳ. Việt Nam chính là tấm gương đáng học hỏi cho nhiều nước đang phát triển.

Tại sao công nghiệp sản xuất lại phục hưng ở Việt Nam, trong khi đang thoái trào ở nhiều nơi trên thế giới? Với những lời kêu gọi gần đây của một số nhà lãnh đạo trên thế giới nhằm tạo ra công ăn việc làm ở các quốc gia của họ, kinh nghiệm của Việt Nam có thể trở thành bài học cho các nền kinh tế đang phát triển khác.

Nếu bạn đang đọc bài báo này trên điện thoại thông minh, có khả năng bạn đang xem nó trên một thiết bị được tạo ra ở Việt Nam. Trên toàn thế giới, một trong 10 điện thoại thông minh được sản xuất tại Việt Nam. Điện thoại là mặt hàng xuất khẩu số một của quốc gia này, tạo ra doanh thu xuất khẩu hơn 45 tỷ USD vào năm 2017.

Thành công này là dấu hiệu của một xu hướng đi ngược lại định mức toàn cầu. Trong khi thương mại toàn cầu đang trì trệ, thương mai Việt Nam đã tăng đến 190% GDP vào năm 2017 từ 70% vào năm 2007. Trong khi giai đoạn đầu của phi công nghiệp hóa đang diễn ra trên toàn thế giới, ngành sản xuất của Việt Nam đều đặn phát triển, tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm sản xuất mới chỉ trong giai đoạn 2014-2016.

Một số nền tảng cơ bản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tiền lương vẫn còn thấp và cơ cấu dân số rất thuận lợi. Khoảng nửa dân số dưới 35 tuổi và Việt Nam có lực lượng lao động lớn, đang bùng nổ. Chính trị của quốc gia này cũng ổn định và vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn. Tuy nhiên, những yếu tố này không nhất thiết là điều khiến cho Việt Nam trở nên khác biệt. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã cố gắng tận dụng các nền tảng vững chắc của mình nhờ các chính sách hợp lý.

Việt Nam đã đạt thành công một cách khó khăn. Đầu tiên, Việt Nam nhiệt tình chấp nhận tự do thương mại hóa. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng thực hiện cải cách trong nước thông qua bãi bỏ các quy định và giảm chi phí kinh doanh. Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào vốn con người và vật chất, chủ yếu thông qua đầu tư công. Những bài học – hội nhập toàn cầu, tự do hóa nội địa, và đầu tư vào con người và cơ sở vật chất – dù không mới, cần được lặp lại sau sự trỗi dậy và gia tăng của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế cũng như tư tưởng chống toàn cầu hóa.

Các dữ liệu thống kê về các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam mở cửa cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, chính sách thương mại được cho là chính sách công nghiệp quan trọng nhất đối với Việt Nam. Cùng với Singapore, Việt Nam chia sẻ vị trí hàng đầu ở Đông Á về số lượng ký kết các hiệp định thương mại tự do song và đa phương (16). Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, ASEAN, và đã ký kết thỏa thuận song phương với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Liên minh Hải quan Á – Âu. Đầu năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong 11 quốc gia tham gia vào CPTPP.

Các hiệp định thương mại này giảm đáng kể thuế quan, ổn định những cải cách khó khăn trong nước, và mở rộng phần lớn nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài. Ước tính có hơn 10.000 công ty nước ngoài – bao gồm cả các công ty lớn toàn cầu như Samsung, Intel và LG – hoạt động tại Việt Nam hiện nay, chủ yếu là trong sản xuất theo hướng xuất khẩu, cần nhiều nhân công.

Thứ hai, Việt Nam đã tận dụng cơ cấu dân số thông qua đầu tư hiệu quả vào người dân. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy tiếp cận giáo dục tiểu học và đảm bảo chất lượng giáo dục qua các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu đã được đền đáp. Trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) – kiểm tra năng lực học sinh cấp 3 về toán, khoa học và các môn học khác – Việt Nam xếp thứ 8 trong số 72 nước tham gia, trên cả các nước OECD như Đức và Hà Lan.

Thứ ba, quốc gia Đông Nam Á tập trung không ngừng vào khả năng cạnh tranh và điều kiện thuận lợi kinh doanh. Việt Nam đã đạt những tiến bộ ổn định trong cải thiện môi trường đầu tư, bằng chứng là điểm số cao hơn trong chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới, và bảng xếp hạng thuận lợi kinh doanh của World Bamk năm 2018 (xếp thứ 68, tăng 31 bậc kể từ năm 2014). Việt Nam cũng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% từ 32% vào năm 2003.

Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong ngành điện và viễn thông. Một phần nhờ đầu tư công, phát điện, truyền thông tin, và khả năng phân phối đã được mở rộng để đáp ứng như cầu ngày càng tăng nhanh. Để bắt kịp với xu hướng thương mại sử dụng container ngày càng tăng nhanh (phát triển với tốc độ trung bình hằng năm là 12,4% trong giai đoạn 2008 – 2016), Việt Nam cũng đã phát triển cơ sở hạ tầng liên kết, bao gồm các thành phố cảng và cảng biển.

 

Không ngủ quên trong chiến thắng, Việt Nam muốn đối phó với những thách thức còn lại. Nhìn chung, ngành sản xuất nội địa của Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ. Hầu hết các lĩnh vực được thúc đẩy bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm gần 90% sản phẩm xuất khẩu. Nhiều việc làm mới trong ngành sản xuất là lắp ráp cơ bản đòi hỏi lao động thủ công nhưng không nhất thiết phải thêm nhiều giá trị (cho mỗi công nhân). Sợi dây kết nối giữa FDI và các doanh nghiệp nội địa còn yếu. 

Thêm vào đó, tiền lương không tránh khỏi tăng lên, lợi thế so sánh hiện tại của Việt Nam trong các ngành công nghiệp đòi hỏi sức lao động, kỹ năng thấp sẽ bắt đầu biến mất, một xu hướng được khuếch đại lên bởi các công nghệ tiết kiệm sức lao động mới và quá trình tự động hóa.   
Sự thăng tiến gần đây của Việt Nam trong các trung tâm sản xuất toàn cầu cung cấp bài học về tiềm năng tăng trưởng dựa vào sản xuất nhưng cũng đóng vai trò như một lời cảnh báo về những hạn chế vốn có của nó.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo