Báo Mỹ lột mặt nạ đao phủ IS thế nào?
Washington Post, tờ báo đầu tiên công bố danh tính nhân vật tình nghi là đồ tể nói giọng Anh cắt cổ con tin của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), đã lần ra người này thông qua manh mối từ các cựu con tin và bạn bè của anh ta.
Manh mối về danh tính của gã đồ tể máu lạnh có biệt danh “Chiến binh Thánh chiến John” được hình thành từ những thông tin rời rạc, theo hãng tin Telegraph (Anh).
Theo lời các con tin từng bị gã này canh gác, hắn bắt họ xem các đoạn video trực tuyến của al-Shabaab, một nhóm khủng bố Somali và điều này cho thấy hắn có lẽ quan tâm đến phiến quân Hồi giáo ở miền đông châu Phi trước khi chạy sang Syria.
Adam Goldman, phóng viên Washington Post, người đã cùng đồng nghiệp Souad Mekhennet lần ra họ tên của nhân vật đang bị truy nã gắt gao nhất thế giới, nhớ lại: “Tôi đã phải cố gắng thu thập nhiều thông tin và dữ liệu. Chao ôi! Công việc rất khó khăn. Ai cũng kín miệng về chuyện này”.
Khi lần ra được cái tên Mohammed Emwazi, một công dân Anh gốc Kuwait, lớn lên tại khu tây London, Goldman phát hiện 2 yếu tố được coi là bằng chứng cho thấy đây là phiến quân IS bí ẩn nói giọng Anh thực hiện các vụ hành quyết con tin phương Tây.
Về bằng chứng đầu tiên, cái tên Mohammed Emwazi không hề hiện diện trên mạng internet (không tài khoản Facebook, Twitter) - một điều khó xảy ra đối với một thanh niên tuổi đôi mươi, Goldman cho biết.
“Dấu vết của anh ta trên mạng internet rất mờ nhạt. Điều này thật kỳ quặc vì trong thời đại ngày nay và khi ở độ tuổi 26, tên bạn xuất hiện khắp nơi trên mạng internet”, phóng viên Washington Post cho biết.
Có lẽ nhờ tốt nghiệp ngành lập trình vi tính tại trường Đại học Westminster (Anh), nên Emwazi có khả năng xóa bỏ thông tin cá nhân trên mạng internet, Goldman phân tích.
Phóng viên Mỹ này cũng cho biết thêm, có rất nhiều người đã biết Emwazi chính là kẻ xuất hiện trong các đoạn video tàn bạo của IS, nhưng đã không hé môi.
Có ít nhất 2 người bạn của Emwazi xem các đoạn video kể trên và nhận ra người bạn của mình trước khi Goldman tiếp cận được những người này để xác định danh tính.
Quan chức tình báo của cả Anh lẫn Mỹ cũng đã biết được danh tính, nhưng vẫn giữ bí mật chuyện này, thay vì thông báo công khai hay tuồn ra cho báo chí, Goldman cho hay.
“Tôi cảm thấy khó chịu với việc hắn ta có danh tính và quan chức Anh, Mỹ đã biết hắn là ai, nhưng vẫn không chịu tiết lộ”, phóng viên Mỹ nói.
Theo Telegraph, Goldman đã không cho biết chính phủ Anh hoặc Mỹ có yêu cầu Washington Post không công bố danh tính của tên “đao phủ” IS hay không, nhưng ông Richard Waltman, chỉ huy lực lượng cảnh sát London, đã tuyên bố nhà chức trách có “yêu cầu các hãng truyền thông không phỏng đoán”.
Quan chức Mỹ cho hay họ không tiết lộ danh tính một phần vì lo ngại cho số con tin còn lại đang bị IS giam cầm.
John Cantlie, một phóng viên người Anh, được cho là con tin phương Tây cuối cùng đang bị giam giữ sau khi IS hành quyết Kayla Muller, một nhân viên cứu trợ người Mỹ.
Tuy nhiên, Goldman cho biết anh không tin rằng việc công bố danh tính của “Chiến binh Thánh chiến John” sẽ khiến mạng sống của Cantlie bị đe dọa.
“Anh ấy không thể bị lâm vào hoàn cảnh nào hiểm nghèo hơn được nữa vì chúng vẫn đang giết toàn bộ bọn họ”, phóng viên này cho hay, đồng thời nói thêm rằng FBI nhiều tháng trước đã nói rõ rằng họ đã biết phiến quân bịt mặt hành quyết con tin là ai.
Mặc dù bản tin của Washington Post đã nói rõ chi tiết về thời thơ ấu của Emwazi, về sự bức xúc của người này với chính quyền Anh, nhưng theo Goldman, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải.
“Làm sao anh ta đến Syria được? Ai đi cùng anh ta? Làm thế nào mà MI5 (cơ quan tình báo nội địa Anh) lại để xổng anh ta?”, Goldman thắc mắc.
Reuters dẫn lời ông Asim Qureshi, Giám đốc nghiên cứu của Cage, tổ chức từ thiện chuyên vận động cho các nghi phạm khủng bố ở Anh, cho biết Emwazi sinh ra ở Kuwait, nhưng đến Anh lúc mới 6 tuổi và đã tốt nghiệp ngành lập trình vi tính tại Trường đại học Westminster.
Tại một cuộc họp báo ở London ngày 27.2, Qureshi nói rằng Emwazi, một người Anh nói lưu loát tiếng Ả Rập, từng đề cập đến việc sau khi tốt nghiệp, MI5 đã để ý và cố tuyển mộ người này làm "nguồn tin", rồi sau đó ngăn không cho anh ta ra nước ngoài, khiến anh ta phải trốn đi mà không kịp từ biệt gia đình.Emwazi đã bay sang Syria hồi năm 2012, theo Qureshi. Ông còn cho biết thêm rằng Emwazi bị bắt giữ tại Tanzania hồi tháng 8.2009 khi đang đi nghỉ mát cùng hai người bạn. Anh này sau đó bị trục xuất sang Amsterdam và bị MI5 cùng cơ quan tình báo Hà Lan thẩm tra, trước khi bị gửi trả về Anh.“Tôi cảm thấy đang sống như một tù nhân tại London, chỉ là không bị nhốt trong lồng mà thôi”, Emwazi viết trong một email gửi đến tổ chức Cage.Anh ta còn cho biết cảm thấy như “một người bị lực lượng an ninh giam cầm và điều khiển, những người ngăn không cho tôi sống một cuộc sống mới tại nơi tôi sinh ra và tại đất nước tôi, Kuwait”, theo email Emwazi gửi Cage.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo