Quốc tế

Báo Nga: Đảo chính quân sự là "trò chơi" yêu thích của các tướng Thổ Nhĩ Kỳ

(DNVN) - Tờ Sputnik (Nga) có bài viết nói rằng trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đảo chính hiện nay không phải là lần đầu tiên. Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, các quân nhân đã 4 lần chiếm chính quyền vào tay mình.

Quân đội luôn luôn là lực lượng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời Đế quốc Ottoman, quân đội thường quyết định số phận quốc vương. Người sáng lập nước Cộng hòa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk cũng là quân nhân.

Cuộc đảo chính quân sự đầu tiên trong lịch sử gần đây của nước này xảy ra vào năm 1960. Trước đó, Đảng Dân chủ đã cầm quyền trong hơn một thập kỷ. Tháng 5 năm 1960, một nhóm sĩ quan đưa quân đội xuống phố. Ban lãnh đạo Đảng Dân chủ bị bắt, Thủ tướng Menderes bị buộc tội tham nhũng và bị tử hình. Một năm sau đó, quân đội chuyển giao quyền lực cho tân quốc hội.

Ảnh minh họa.

Năm 1971 quân đội một lần nữa lại can thiệp vào chính trị, thay đổi chính phủ và bổ nhiệm nội các mới. Khi đó, tất cả diễn ra một cách ôn hòa. Thủ tướng Suleyman Demirel đồng ý từ chức trước khi quân đội đến bắt ông.

Cuộc đảo chính tiếp theo xảy ra hồi tháng 9 năm 1980. Hàng chục ngàn người không đồng ý với quân đội bị bắt giam. Năm 1983, chính quyền được chuyển giao cho chính phủ dân sự. Các tướng đã cố gắng gây ảnh hưởng đến chính sách trong những năm 90 và đầu những năm 2000. Năm 2007, chính quyền tuyên bố phát hiện âm mưu của nhóm Ergenekon. Trong nhóm này có một số quân nhân nghỉ hưu.

Năm 2012, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ kết án tù chung thân một số quân nhân. Họ bị cáo buộc tham gia âm mưu chống Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan năm 2010.

Cuộc đảo chính mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ tối 15/7, khiến ít nhất 265 người chết, hơn 1.440 người bị thương. Chính phủ của Tổng thống Erdogan đến nay đã đập tan âm mưu đảo chính nhưng tình hình vẫn còn tương đối bất ổn.

Nên đọc
Hòa Lộc (theo Sputnik)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo