Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa
Hoàng Sa và Trường Sa lần đầu tiên được nhắc đến vào thế kỷ thứ 17 trong một cuốn bản đồ của Việt Nam và người Việt đã có nhiều hành động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này, báo Nga Gazeta.ru khẳng định.
Gazeta.ru, một trong ba báo điện tử tư nhân lớn nhất ở Nga với lượng truy cập trung bình 3 triệu lượt một ngày, hôm qua đăng tải bài viết "Việt Nam sẽ không bao giờ chấp nhận" của nhà báo Vladimir Koryagin.
Trong bài, tác giả đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi căn cứ của Trung Quốc và cung cấp cho độc giả thông tin khái quát về diễn biến tranh chấp xung quanh quần đảo này.
Dưới đây là bài viết của ông Vladimir Koryagin:
400 năm không có Trung Quốc
Trong thế kỷ 20, Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng tiềm tàng mà xung đột có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba. Tuy nhiên lịch sử xung đột xung quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp nằm trên Biển Đông đã có lịch sử ít nhất vài thế kỷ. Về cơ bản, các nước trong diện tranh chấp đều đưa ra các bản đồ cổ làm bằng chứng nhằm khẳng định chủ quyền đối với một hoặc một vài hòn đảo.
Quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa lần đầu tiên được nhắc đến vào thế kỷ thứ 17 trong “Tuyển tập bản đồ chỉ dẫn các con đường dẫn xuống đất phía Nam” của Việt Nam dưới tên có nghĩa là "Cát vàng".
Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1721 Việt Nam đã thành lập Cơ quan hành chính “Hoàng Sa” (Hoàng Sa là tên gọi bằng tiếng Việt của quần đảo Paracel) nhằm khai thác tập trung các hòn đảo ở Biển Đông, cũng như trang bị các tàu để tiến ra các đảo này.
Trong khi đó, trong các tàng thư và tài liệu của Trung Quốc thời đó, kể cả trong “Đại sử ký nhà Thanh” đều không nhắc đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Hoàng Sa cũng chỉ được một số ít các nhà đi biển người Pháp và Hà Lan nhắc đến, những người may mắn vượt qua Biển Đông thành công và đến được Việt Nam.
Họ cũng viết rằng chính người Việt Nam đã thu được một số lượng lớn súng đạn và các đồ vật có giá trị khác từ những con tàu bị đắm khi đi qua các quần đảo này.
Người Việt Nam thậm chí còn xây dựng một hạm đội quy mô nhỏ nhằm kiểm soát các tàu của nước ngoài đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là vị vua đầu tiên của Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời gian này nhiều bản đồ các loại đã được xuất bản, trong đó Hoàng Sa được biểu thị là lãnh thổ của Việt Nam.
Năm 1838 nhà truyền giáo Công giáo Pháp Joan-Luis-Taberu đã xuất bản cuốn "Dictionarium Latino-Annamiticum completum et novo ordine dispositum (tạm dịch là "Cuốn từ điển tiếng Việt-Latin").
Trong đó quần đảo Hoàng Sa được định nghĩa là "Paracel seu Cát vàng".
Tiếp sau đó, nhà địa lý Hà Lan Villem Blau chính thức đặt tên cho đảo này bằng tiếng châu Âu là "Pracel".
Về sau này do sự mai một của thời gian và các nhà đi biển người Pháp truyền khẩu không chính xác nên “Pracel” đã bị gọi chệch đi thành “Le Paracel.”
Cuối thế kỷ 19 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có hai tàu chở đồng của Anh bị đắm. Người dân đảo Hải Nam của Trung Quốc trục vớt được và chiếm giữ hàng hoá trên tàu khiến chính quyền Anh hết sức bất bình.
Khi đó Trung Quốc trả lời chính quyền Anh rằng quần đảo Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, vì vậy chính quyền nước này không chịu trách nhiệm trước bất cứ sự việc gì xảy ra ở đây.
Bành trướng trỗi dậy
Hiện trạng ở quần đảo Hoàng Sa lẽ ra được giữ nguyên dưới thời Pháp thuộc nếu như không có sự đối đầu Anh-Pháp và kéo theo sự ủng hộ tương ứng của Trung Quốc và Việt Nam.
Năm 1933 cuốn “Bản đồ quản lý hành chính mới của Trung Quốc” ra đời, trên đó Trường Sa và Hoàng Sa được người Trung Quốc gọi theo tiếng Hán là “Nam Sa và Tây Sa” trực thuộc quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông.
Dưới tác động của bối cảnh mới này chính quyền đô hộ Pháp đã áp dụng một số biện pháp: Khâm sứ Pháp tại Đông Dương Jules Brevie đã ra lệnh thành lập cơ quan hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa và cho dựng trên quần đảo một tấm bia có dòng chữ “Cộng hòa Pháp-Vương quốc An Nam - quần đảo Hoàng Sa, 1816".
Cũng trong khoảng thời gian đó, Nhật tích cực hoạt động, đánh chiếm đầu tiên là Trường Sa sau đó là Hoàng Sa vào đầu Thế chiến II.
Năm 1946, người Pháp và Việt Nam tiến ra quần đảo Hoàng Sa để giải giáp quân Nhật đang đồn trú tại đây, tuy nhiên bị quân đội Trung Quốc ngăn cản.
Trong vòng một ngày, quân đội Trung Quốc đã củng cố vững chắc lực lượng trên quần đảo và năm 1947 Tưởng Giới Thạch ban bố một quyết định, theo đó Trường Sa và Hoàng Sa chính thức mang tên gọi của Trung Quốc và thuộc thành phần lãnh thổ Trung Quốc.
Lúc đó Bắc Kinh phớt lờ sự phản đối từ phía chính phủ Việt Nam và Pháp.
Khi Tưởng Giới Thạch và thân cận trong Quốc Dân Đảng bỏ chạy sang Đài Loan thì toàn bộ các đơn vị đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa cũng rút theo.
Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lên nắm quyền tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
Cùng thời điểm này Nhật Bản chính thức tuyên bố từ bỏ quyền và yêu sách đối với cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Điều này được ghi nhận trong Hiệp ước Hoà bình San Francisco 1951.
Năm 1956 Viễn chinh Pháp rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Việt nam và kể từ thời điểm này Việt Nam, vốn bị chia cắt làm hai miền phải độc lập chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc. Cũng trong năm 1956, Trung Quốc đánh chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa còn Việt Nam chiếm giữ một phần, nơi trước đây quân đội Pháp kiểm soát.
Sự căng thẳng tình hình tiếp theo xảy ra vào năm 1959, khi Trung Quốc đưa 80 lính và vật liệu xây dựng lên quần đảo xây nhà kiên cố và sau đó dựng cờ Trung Quốc.
Các đơn vị biên phòng miền nam Việt Nam ngay lập tức có mặt tại các hòn đảo và bắt giữ toàn bộ người trên đó.
Bắc Kinh chỉ thể hiện sự phẫn nộ bằng cách ra công hàm phản đối ở cấp Bộ Ngoại giao vì lo ngại phải chạm trán với quân đội Mỹ đến giúp đỡ chính quyền miền nam Việt Nam.
Năm 1964 Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào Việt Nam bằng cách hậu thuẫn chính quyền miền nam. Trung Quốc đã không thể lợi dụng sự thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam vào mục đích của mình và từ năm 1971 bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việc này cho phép Trung Quốc hợp pháp hoá yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ các hòn đảo. Thời điểm đó Mỹ đang bận chuẩn bị ký hiệp định hoà bình với Việt Nam, đồng thời rút toàn bộ quân ra khỏi các vùng cứ điểm ở miền nam Việt Nam. Trong khi đó, chính quyền miền bắc Việt Nam cũng đang tập trung toàn bộ lực lượng để tiến hành chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn.
Trung Quốc đánh chiếm được Hoàng Sa một mặt do chính quyền miền nam Việt Nam không còn nhận được sự hẫu thuẫn của Mỹ nên rất yếu và Mỹ-Trung không còn là đối thủ của nhau.
Mặt khác chính quyền miền bắc Việt Nam còn đang lo nhiệm vụ thống nhất đất nước nên chưa thể nêu yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Như vậy, việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa được xem như sự đã rồi, để từ đây Trung Quốc bắt đầu hướng bành trướng xuống quần đảo Trường Sa.
VietnamPlus
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo