Xã hội

Bao nhiêu tiền đã chi cho giảm nghèo?

Trong một buổi làm việc mới đây với Bộ Tài chính, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đã tỏ rõ sự băn khoăn về độ chênh của các con số về nguồn lực thực dành cho các chính sách giảm nghèo.

Chính xác là bao nhiêu trong số tiền thuế vốn chưa dồi dào của nhân dân đã được đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, và hiệu quả mang lại có tương xứng hay không? Lãng phí, thất thoát nằm ở những khâu nào và có thể khắc phục được không?

Theo Bộ Tài chính, từ 2005 đến 2012 hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo là khoảng 734.000 tỷ đồng (bình quân trên 90.000 tỷ đồng/năm), chiếm trên 12% tổng chi ngân sách nhà nước. 

Nguồn lực này được bố trí để thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư trực tiếp. Như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình 135 và chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi… và ưu đãi về tín dụng.
 
Trong đó từ 2006 - 2012, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 44.896 tỷ đồng. Hai năm 2011 - 2012, ngân sách đã bố trí hỗ trợ khoảng 9.167 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí. Từ 2009 - 2012, hỗ trợ 4.254,3 tỷ đồng cho hộ nghèo vay làm nhà ở…
 
Dẫn con số 120 nghìn tỷ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hùng cho rằng “độ chênh là quá lớn”. Tạm tính theo con số của Bộ Tài chính, đại biểu Hùng nêu vấn đề “tư duy một cách trực tiếp thì có người tính rất đại số theo cách lấy 90 nghìn tỷ chia cho 500 nghìn hộ giảm nghèo trong một năm thì nguồn lực để giảm nghèo cho một hộ là 180 triệu  đồng”. Nếu tính như vậy thì hiệu quả của nguồn lực có vấn đề gì, lẽ nào cần 180 triệu đồng cho một hộ/năm để giảm nghèo?
 
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp giải thích, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo chiếm 12 - 15% ngân sách là chưa tính đến mỗi năm 20 nghìn tỷ cho vay ưu đãi, nhà nước hỗ trợ lãi suất khoảng 7 - 8 nghìn nữa là gần 30 nghìn. Và đây có lẽ là lý do dẫn đến độ chênh với thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
“Con số thì mỗi nơi một khác, nhưng con số chúng tôi báo cáo đây là là tiền tươi thóc thật, chỉ có thiếu chứ không có thừa”, ông Nghiệp khẳng định.
 
Vẫn liên quan đến băn khoăn của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về con số bình quân 180 triệu cho một hộ nghèo trong một năm, một vị lãnh đạo cấp vụ cho hay, con số này đã nghe nói nhiều nơi, nhưng không có dịp để bày tỏ với đoàn giám sát.
 
Theo phân tích của vị này thì chính sách hỗ trợ của một số đề án không chỉ cho riêng... hộ nghèo, mà cho các hộ cận nghèo và vùng sâu vùng xa, gia đình chính sách. Và tiền đầu tư cho bệnh viện, trường học… cũng là rất lớn.
 
Làm rõ thêm những băn khoăn về nguồn lực, một vị phó vụ trưởng khác giải thích rằng có nhiều chương trình được thống kê trong chính sách giảm nghèo nhưng đối tượng được thụ hưởng không chỉ là người nghèo. Và với nhiều chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chắc chắn không phân định được số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo…
 
Vênh về con số, không phân biệt được, không thống kê được đầy đủ… đều là những điều dễ hiểu. Bởi văn bản về giảm nghèo đang ở mức “bội thực”, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo.
 
Chỉ kể tên của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thôi, báo cáo của Bộ Tài chính cũng phải tốn đến vài chục gạch đầu dòng và nhiều chữ… Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không nêu được con số chính xác mà cho biết có khoảng trên 70 văn bản chính sách ban hành trong lĩnh vực giảm nghèo. Theo báo cáo của bộ này thì nguồn lực đầu tư để giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực thông qua việc đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, nước sạch…
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cũng nêu quan điểm cá nhân rằng, hiệu quả của các nguồn lực đầu tư cho xóa đói giảm nghèo chỉ ở mức trung bình.
 
Chính Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cũng than thở là điều kiện ngân sách hạn hẹp song mỗi chính sách đưa ra đều ngốn khoảng 5.000 - 7.000 tỷ, trong khi có quá nhiều chính sách khiến cho ngân sách không gánh nổi.
 
“Phải làm sao cho chính sách có hiệu quả ngay, chứ hàng chục năm trời không thực hiện hết được chính sách, cứ đầu tư rải hết năm này năm, phân tán kia lãng phí vô cùng”, ông Nghiệp nói với đoàn giám sát.
 
Đến nhiều địa phương để tìm hiểu, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng tỏ ra hết sức sốt ruột khi nhiều con đường mới làm xong đã đầy ổ voi, xấu hơn cả lúc chưa trải nhựa. Rồi có tình trạng một huyện có tới ba trung tâm dạy nghề xây sừng sững, nhưng không có người đến học.
 
Kết quả giảm nghèo của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đó là điều được nhiều vị quan chức và cả đại biểu Quốc hội nhắc đến. Song, cho dù là không phải là “quỹ” để đem chia đều cho đầu người hay chi cho “bộ máy” theo một cách lý giải khiến dư luận phẫn nộ gần đây, thì hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng là con số lớn, rất lớn với điều kiện ngân sách eo hẹp của Việt Nam.
 
Vì vậy, chính xác là bao nhiêu trong số tiền thuế vốn chưa dồi dào của nhân dân đã được đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, và hiệu quả mang lại có tương xứng hay không? Lãng phí, thất thoát nằm ở những khâu nào và có thể khắc phục được không? Đó, chí ít là những điều các vị đại diện cho dân cần trả lời rõ ràng, minh bạch, sau cuộc giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, ở kỳ họp Quốc hội thứ bảy tới đây.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo