Môi trường

Bão số 7 di chuyển nhanh gây mưa rất mạnh

Sau khi tàn phá Philippines, bão Washi (bõ số 7 trên biển Đông) gây ảnh hưởng mạnh cho khu vực giữa và nam biển Đông của Việt Nam. Hiện đã có những thiệt hại ban đầu do bão số 7 gây ra.

 

Bão số 7 di chuyển nhanh, bất lợi khi kết hợp không khí lạnh

Hồi 4 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 250 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.

Đến 04 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,4 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Trường Sa, cách Côn Đảo khoảng 330km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 

Bão số 7 đang di chuyển nhanh trên biển và đã gây ra một số thiệt hại ban đầu cho ngư dân (Ảnh: NCHMF)


 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Nam và Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Vùng áp thấp nhiệt đới này tiếp tục đi sâu về phía Nam và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 04 giờ ngày 21/12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 4,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, cách đảo Côn Đảo khoảng 490km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là từ dưới 39km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh ở khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh; Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.

Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết cơn bão này đến muộn nhưng khó lường về diễn biến.

Những thiệt hại ban đầu

Bão số 7 đã gây ra những thiệt hại ban đầu cho ngư dân các tỉnh nam Trung bộ. Cụ thể: Tàu PY 81140 với 2 thuyền viên của tỉnh Phú Yên trên đường chạy tránh gió bị chìm do phá nước.

Hai thuyền viên đã được một tàu khác cứu vớt đưa vào bờ an toàn. Tàu PY 4021TS cũng của tỉnh Phú Yên đang neo đậu tại bến đã bị sóng đánh chìm. Ngoài ra, 4 tàu của Phú Yên vào đảo Đá Tây tránh gió nhưng do gió to sóng lớn, các phương tiện không vào được.

Sáng 18/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn nhằm triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 7.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng chức năng khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao soạn thảo công hàm đề nghị các quốc gia lân cận tạo điều kiện cho ngư dân lên đảo tránh bão; các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Kiên Giang khẩn trương yêu cầu toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực biển Đông vào đất liền tránh bão…

“Tránh tâm lý chủ quan, nhất là khi tàu thuyền khu vực phía Nam chủ yếu là loại nhỏ, ít kinh nghiệm chống bão như tàu miền Trung và khu vực này ít có đảo để tránh. Trên đất liền, cần đề phòng mưa kèm bão gây thiệt hại” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và Kiên Giang; các bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Giao thông vận tải tổ chức kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên khu vực giữa và nam biển Đông chủ động di chuyển vào bờ để trú tránh. 

Các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa chủ động di chuyển vào đảo và không để người trên tàu thuyền khi gió mạnh…

Hiện nay, biên phòng các tỉnh đã phối hợp cùng địa phương, ngành thủy sản và gia đình chủ tàu thống kê, thông báo và kêu gọi được 43.532 tàu với 220.099 người biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Trong đó, 255 tàu với 2.855 người đang hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa, 32.833 tàu với 154.868 người hoạt động ven bờ, các khu vực khác và neo đậu tại bến.

Ngoài ra, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm đề nghị phía Malaysia và Brunei tạo điều để 22 tàu với 209 thuyền viên của tỉnh Bình Định và 15 tàu  với 147 thuyền viên của tỉnh Phú Yên được vào tránh trú gió ở vùng biển do Malaysia và Brunei đứng chân.

Theo VietNamNet

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo