Xã hội

Bảo vệ lao động di cư khỏi bị bóc lột

Ngày 11/9, Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) phối hợp với Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã tổ chức Hội nghị đánh giá năm thứ hai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử (CoC-VN) đồng thời công bố bảng xếp hạng các doanh nghiệp tuyển dụng trong năm 2013.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 170 doanh nghiệp cung ứng lao động, mỗi năm gửi ra nước ngoài khoảng 80.000 lao động (Ảnh: Internet)

CoC-VN là một công cụ điều tiết trên tinh thần tự nguyện, nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quản lý doanh nghiệp, bảo vệ lao động di cư khỏi bị bóc lột.

TS Nguyễn Lương Trào -  Chủ tịch VAMAS cho biết, quá trình giám sát đánh giá doanh nghiệp thực hiện CoC-VN không chỉ đơn thuần là việc thu thập thông tin, kiểm tra, đánh giá và xếp hạng, mà quan trọng là quá trình vận động và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ các chuẩn mực của ILO về di cư lao động quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 170 doanh nghiệp cung ứng lao động, mỗi năm gửi ra nước ngoài khoảng 80.000 lao động tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm thứ hai xếp hạng, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng tham gia để được giám sát, đánh giá tăng hơn 2 lần (từ 20 doanh nghiệp trong năm đầu tiên  lên 47 doanh nghiệp trong năm thứ 2).

Các doanh nghiệp này chiếm hơn một phần tư (27%) tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và quản lý tới một nửa số lượng lao động Việt Nam được gửi đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm thứ 3, dự kiến số doanh nghiệp tham gia sẽ tăng lên 70.

Bảng xếp hạng gồm 4 nhóm – xuất sắc (A1, A2, tốt (B1, B2), trung bình (C1, C2) và yếu (D1, D2). Năm nay hơn một nửa số doanh nghiệp xếp hạng vào nhóm A2 và gần một phần năm ở mức B1

Sáu trong số 20 doanh nghiệp xếp hạng năm đầu tiên đã được nâng hạng ở năm thứ hai do có nhiều tiến bộ, nhưng đã có 5 doanh nghiệp bị tụt hạng do có những vi phạm.

Tăng cường tự giám sát là một trong những điểm quan trọng trong Chương trình nghị sự của ILO về nâng chất lượng trong hoạt động tuyển dụng vì quá trình này hỗ trợ việc thực hiện và giám sát các quy định của chính phủ đối với các doanh nghiệp tuyển dụng, đặc biệt trong bối cảnh dự báo di cư lao động sẽ tiếp tục gia tăng cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, trước những diến tiến này đòi hỏi sự bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cải thiện chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp tuyển dụng. Chính vì vậy, các công cụ tự giám sát đánh giá như Coc-VN đem lại lợi ích cho cả phía doanh nghiệp cũng như người lao động.

 Ông cũng nhấn mạnh, lao động di cư không còn được coi là giải pháp chỉ để xóa đói giảm nghèo. Việt Nam nên tiếp tục coi trọng chất lượng dịch vụ tuyển dụng lao động và bảo vệ người lao động tốt hơn để được hưởng lợi tối đa từ quá trình di cư lao động.
 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo