Xã hội

Bất cập ở các dự án cống hóa mương thoát nước

Các dự án “cống hóa mương thoát nước” với mục đích để làm bãi đỗ xe, phục vụ lợi ích cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này sau khi hoàn thành đều biến tướng trở thành các tụ điểm nhà hàng, quán ăn, quán karaoke

Từ thực tế…

 
 Nhà hàng, quán ăn mọc san sát  trên tuyến mương đường Nguyễn Khánh Toàn
 
Hiện ở Hà Nội, các công trình cống hóa kênh mương đã được thực hiện tại các tuyến đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy; Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình, Nguyên Hồng, quận Đống Đa và dự án đang thực hiện tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
 
Trong các công trình đã hoàn thành chỉ có dự án mương hóa trên đường Nguyễn Công Hoan phát huy được tác dụng, thực hiện đúng mục tiêu ban đầu đề ra là làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng mặt tiền đường Nguyễn Công Hoan đã bị chủ đầu tư dựng rào chắn toàn bộ vỉa hè dành cho người đi bộ, bãi đỗ xe đã chiếm một nửa đường Nguyễn  Công Hoan. 
 
 Còn tại đường Nguyễn Khánh Toàn, theo giấy phép đã được UBND thành phố Hà Nội cấp, chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần Xây lắp Thương mại và Dịch vụ chỉ được sử dụng mặt bằng cống hóa trên đường Nguyễn Khánh Toàn để làm bãi đỗ xe và một số công trình phụ trợ cho giao thông tĩnh khác, tuy nhiên sau khi công trình hoàn thành người dân đã vô cùng ngạc nhiên bởi trên mặt cống chỉ có một ít diện tích dành cho bãi đỗ còn lại là nhà hàng, quán ăn, quán Karaoke, hiệu sách…. 
 
Theo như lời của một cán bộ phường Quan Hoa cho rằng cái sai phạm chỉ là sử dụng sai mục đích của các nhà hàng quán ăn trên diện tích cống, nhưng các nhà hàng quán ăn  trên diện tích cống này lại được chính Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh vì thế phường cũng không có tư cách gì để dẹp bỏ. Cán bộ này  cũng cho rẳng bãi gửi xe hiện nay ở dự án cống hóa kênh mương Nguyễn Khánh Toàn có thể để được đến 800 xe ô tô và trên 1000 xe máy nhưng đến thời điểm này hầu như không có người gửi.
 
Về khu chợ với diện tích gần 14.000m2 dài gần 800m là chợ tự phát từ lâu chứ không phải chủ đầu tư cho kinh doanh để kiếm lời như một số báo đã phản ánh, mặc dù phường đã xuống giải tỏa nhưng do lực lượng mỏng nên vẫn chưa thể triệt để được.
 
Tại phố Nguyên Hồng đây là tuyến mương T6A thuộc gói thầu số 3 dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội tuyến cống có chiều dài 708m khởi công từ tháng 5.2011, dự kiến sẽ hoàn thành sau 756 ngày thi công, tuy nhiên đã 4 năm trôi qua nhưng dự án vẫn còn dang dở.
 
Các hộ dân trên tuyến đường này đã phải bắc cầu tạm để đi vào nhà. Người dân ở 2 bên đường đa phần phải đóng cửa tránh bụi bay vào nhà, họ mong muốn chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện con đường để đi lại an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi ở tuyến đường này, mưa thì ngập, nắng thì bụi, đây được xem là con đường phố xấu hơn những con đường làng ở nông thôn. Được biết, do còn vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng nên dự án chưa thể hoàn thiện như đã định.
 
 Công trình cống hóa trên đường Phan Kế Bính cũng bi hài không kém, được biết đây là dự án mương T2A do Công ty Cổ phần Đa Quốc gia làm chủ đầu tư mặt đường đã bị thu hẹp, trên phần diện tích cống chỉ còn một phần nhỏ dành cho bãi đỗ xe và rửa xe, diện tích còn lại chủ đầu tư đã cho thuê mặt tiền để làm showroom bán xe máy, siêu thị quần áo, số nhà mang biển số 5 rộng hàng trăm m2 đã trở thành quán ăn, nhà hàng, ngay sát gần đó là một trường mầm non chất lượng cao cũng đã xuất hiện ở đây. Hiện chỉ có một đoạn cuối đường Phan Kế Bính giao cắt  giữa Nguyễn Văn Ngọc và Linh Lang được sử dụng làm bãi đỗ xe nhưng cũng chưa thể phát huy hết hiệu quả do lượng gửi xe quá ít.
 
 
  Phần đất trên tuyến mương đường  Phan Kế Bính cũng đang bị chiếm dụng nghiêm trọng
 
 
Đến khó khăn của chủ đầu tư
 
Chúng tôi đã đến gặp ông Cù Đức Tố, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Thương mại và Dịch vụ, chủ đầu tư dự án cống hóa kênh mương trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Ông Tố chia sẻ, doanh nghiệp của ông đã đầu tư vào công trình này trên 100 tỷ đồng, tuy nhiên tới thời điểm này công ty vẫn chưa thể thu hồi được vốn.
 
Theo ông Tố, việc cho thuê đất để kinh doanh các cửa hàng là điều cần thiết để  hoàn lại vốn, nếu như chỉ kinh doanh riêng bãi gửi xe thì có lẽ sẽ không bao giờ hoàn vốn được. Thực tế, chủ đầu tư cho thuê mặt bằng để kinh doanh việc thu hồi vốn vẫn còn rất hạn chế.
 
Ông cũng cho biết công trình này nhiều lần  thanh tra nhưng cuối cùng các kết luận này đều chung chung và không đưa ra được văn bản pháp lý nào để cho công ty thực hiện. "Nếu các văn bản này nói rõ là chúng tôi được kinh doanh bao nhiêu m2 để làm bãi đỗ xe, bao nhiêu m2 làm dịch vụ kinh doanh thì đành một nhẽ, nhưng các văn bản này hoàn toàn không thấy nhắc tới", Ông Tố nói. 
 
Hầu hết tất cả các nhà hàng, quán ăn, hiệu sách trên diện tích cống mương hóa tại đường Nguyễn Khánh Toàn đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận và thành phố cũng đã đồng ý để kinh doanh.
 
Bên cạnh đó ông Tố cũng có kiến nghị cần minh bạch, đối với diện tích bãi đỗ xe giá thuế sẽ thấp hơn những nơi kinh doanh, dịch vụ. Nếu thua lỗ, công ty sẽ tự bỏ tiền túi ra để khắc phục.
 
Theo ông Tố, trước khi xây dựng công ty của ông đã có công văn gửi tới UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành đề nghị cho xây dựng nhà 5 tầng với mật độ 40% trên dọc tuyến mương rộng 10 và bên dưới không có cống ngầm, tuy nhiên UBND thành phố chỉ chấp thuận cho xây 2 tầng mật độ 15-20% tại văn bản số 1843 ngày 9.3.2009. Còn giấy phép của UBND quận Cầu Giấu là xây 2 tầng mật độ 19.5%.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những phản ảnh của người dân sống gần các dự án cống hóa kênh mương hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên ý kiến của chủ đầu tư cũng không phải là bất hợp lý. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần có cái nhìn đa chiều để giải quyết vấn để này được ổn thỏa hơn.
Đỗ Trần
 
 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo