Bất cập tại hãng phim truyện Việt Nam: Bộ VHTTDL nói gì?
Chiều ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cùng các bộ phận liên quan và các báo đài đã có mặt tại Bộ để nghe ông Nguyễn Thủy Nguyên trình bày xung quanh sự việc các nghệ sĩ bức xúc tại công ty Hãng phim truyện Việt Nam, theo tin tức trên báo Dân việt.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông báo lại nội dung cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ và ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam: Bộ đã nghe báo cáo nghe báo cáo lại công tác thực hiện cổ phần hóa hai tháng vừa qua.
Các cam kết công ty thực hiện như thế nào, đặc biệt những vấn đề công luận quan tâm thời gian vừa qua về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chế độ chính sách của công ty đối với người lao động.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trong thời gian ban chỉ đạo cổ phần hóa, ban lãnh đạo của Hãng phim đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ đặt ra của cổ phần hóa như chính sách, sắp xếp bộ máy, trả lương, kế hoạch sản xuất phim trong thời gian tới …tuy nhiên trước những điều đó đã có một số phản ứng.
Ban lãnh đạo Bộ đã đề nghị Ban lãnh đạo của Hãng phim nên chú ý làm sao thực hiện tốt chính sách sử dụng cán bộ ở tại Hãng phim. Bộ đề nghị với ban lãnh đạo Hãng phim là cách điều hành, quản trị của Hãng phim, làm sao cho khoa học và phù hợp với hãng phim là nghệ thuật trong đó có nghệ sĩ. Ví dụ làm việc gì phải có kế hoạch, ngắn ngạn, trung hạn, dài hạn.
Thứ trường Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Nhân dịp này, tôi cũng mong muốn báo chí thông tin chính xác như sau: Vừa qua có thông tin cho rằng, Bộ đã thực hiện cổ phần hóa không đúng, đặc biệt xác định giá trị doanh nghiệp làm thất thoát tài sản của nhà nước. Có ý kiến cho rằng giá trị Hãng phim bán chỉ có 34 tỷ, trong khi giá trị chừng khoảng 2 nghìn tỷ, nên công luận hiểu lầm, báo chí nước ngoài cũng hiểu lầm. Tôi nói rõ, quá trình cổ phần hóa được thực hiện theo đúng quy định.
Tức là thực hiện theo nghị định 59, Công ty Hãng phim Truyện Việt Nam đã phải thuê một công ty tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, (Đây là 1 trong 20 công ty nằm trong danh mục được Bộ Tài chính cho phép xác định giá trị doanh nghiệp).
Một công ty tư vấn về quá trình cổ phần hóa (công ty này cũng được Bộ Tài chính cho phép). Khi Bộ muốn thành lập cổ phần hóa công ty Hãng phim đã căn cứ theo danh sách đó lựa chọn hai đơn vị và xin ý kiến Bộ VHTTDL.
Sau đó Bộ kiểm tra đúng hai công ty có trong danh mục thì công ty Hãng phim mới ký hợp đồng với công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và công ty tư vấn cổ phần hóa. Bởi anh em nghệ sĩ đâu có biết gì về cổ phần. Hai đơn vị tư vấn đó làm đúng thủ tục, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tư vấn của mình. Trong nghị định của Chính phủ đã quy định rõ như vậy”.
"Cũng có ý kiến nói rằng tài sản của Hãng phim giá trị 34 tỷ. Điều này cũng không đúng. Bởi khi xác định giá trị doanh nghiệp Hãng là trên 50 tỷ, còn nhà đầu tư chiến lược bỏ ra 34 tỷ là 65% vốn”, ông Huỳnh Vĩnh Ái chia sẻ.
Còn theo đại diện của Công ty cho biết, con số thực định giá tiền trước và sau cổ phần của Hãng phim Truyện Việt Nam. Tại thời điểm 3.2014 giá trị thực tế của doanh nghiệp Hãng phim là 19,6 tỷ. Theo hồ sơ giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp khi chưa cổ phần hóa giá trị là 91, 7 tỷ. Thời điểm tháng 3.2014, giá trị thực tế của doanh nghiệp Hãng phim còn lại là 19,6 tỷ.
“Tôi cũng nghe nói đến chuyện chủ đầu tư sau khi mua xong sẽ sử dụng miếng đất đó như thế nào là quyền của họ. Nhưng quy định về đất của Chính phủ không đơn giản, tức là trước khi duyệt cổ phần Hãng phim, thì Công ty Vận tải Thủy phải trình bày được phương án sử dụng đất, của từng miếng đất của Hãng. Phương án đó phải phù hợp với phương án cổ phần hóa.
Nghĩa là nhà đầu tư chiến lược phải cam kết sử dụng miếng đất đó làm gì. Sau khi đã có phương án sử dụng đất nhà đầu tư chiến lược sẽ trình lên Bộ, Bộ thẩm định và xem phương án này có đúng như cam kết không. Sau đó chuyển qua UBND Hà Nội và bên Hà Nội sẽ xem xét có tiếp tục cho thuê đất hay không”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nói thêm.
Phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy, cam kết tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, đặc biệt là các nội dung thực hiện đúng cam kết với Chính phủ và Bộ Văn hóa khi cổ phần hoá VFS. Vị này cũng khẳng định: Chắc chắn không có chuyện trụ sở VFS được sửa chữa để cho thuê buôn bán, kinh doanh như các nghệ sĩ phản ánh, báo Vnexpress đưa tin.
“Chúng tôi đang cố gắng để thực hiện những cam kết của nhà đầu tư chiến lược; không để Nhà nước phải gánh nợ, bù lỗ”, ông Nguyên khẳng định.
Về chính sách, tiền lương cho người lao động, theo ông Nguyên, công ty sẽ điều chỉnh việc chi trả tiền lương cho nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên ngay trong tuần này, đồng thời thúc đẩy nhanh nhất quá trình xây dựng quy chế trả lương theo nguyên tắc "có làm, có hưởng". Trước mắt, mức lương sẽ tiếp tục duy trì như trước cổ phần cho tới khi hoàn tất công tác sắp xếp tổ chức.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.
Việc cổ phần hoá VFS từ năm ngoái cũng vướng phải những lùm xùm khi thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0 đồng. Thực tế này khiến nhiều nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu rất bức xúc và từ năm ngoái đã cùng ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hoá đối với VFS.
Mới đây, các nghệ sỹ lần nữa lên tiếng việc nhà đầu tư không có định hướng làm phim và quan tâm đời sống của cán bộ nghệ sỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo