Bất động khu xử lý rác triệu đô
Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy rộng gần 27 ha do Dự án Cải thiện Môi trường đô thị miền Trung đầu tư tại thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) năm 2008. Công trình có thể xử lý rác sinh hoạt cho tất cả 18 xã, thị trấn của Phú Lộc, công suất 150 tấn mỗi ngày, thời gian 20 năm.
Từ một năm lại đây, công trình được bàn giao về Công ty Môi trường & Công trình Đô thị Huế, nhưng chưa một lần hoạt động, do không có nguồn nguyên liệu. Trong khi, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, Phú Lộc có khoảng 85m3 (tương đương 22 tấn) rác thải sinh hoạt cần được xử lý, chôn lấp mỗi ngày.
Dọc đoạn Quốc lộ 1A dài hơn 30km từ xã Lộc Bổn về tận đèo Hải Vân, rác sinh hoạt dồn đống. Các bãi rác tự phát còn xuất hiện dày đặc dọc tuyến Tỉnh lộ 14, Quốc lộ 49 và khu vực trung tâm các xã, thị trấn thuộc vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Thậm chí, ven tuyến đường mới làm dẫn vào khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy cũng phủ đầy rác. Chất bẩn còn tấn công nguồn nước sông ngòi, hồ đầm lớn như Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô...
UBND thị trấn Phú Lộc tổ chức điểm thu gom, tập kết rác tạm thời ở bìa rừng. Bãi chứa rác tạm rộng 0,5ha, hiện quá tải.
Ông Nguyễn Hùng (trú thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy) băn khoăn: “Hàng tấn rác sinh hoạt, rác chợ trên địa bàn phải đổ vào bìa rừng, thải ra nghĩa trang hoặc vứt ngổn ngang ven quốc lộ. Trong khi, trên địa bàn đã có nhà máy rác quy mô, hiện đại. Không hiểu, người ta làm nhà máy ni ra để mần chi”.
Loay hoay phương án thu gom
Cuối năm 2010, Xí nghiệp Môi trường Đô thị Lăng Cô (thuộc Công ty Môi trường & Công trình Đô thị Huế) ra đời, với đầy đủ lực lượng, phương tiện trung chuyển rác từ các đầu mối về khu xử lý.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, nhiều xã tại Phú Lộc vẫn lúng túng trong khâu tổ chức lực lượng, kinh phí thu gom rác từ khu dân cư ra điểm trung chuyển đầu mối.
Nhiều ý kiến cho rằng, khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy sớm đắp chiếu là do thực hiện theo quy trình ngược. Sau khi nhà máy ra đời và chờ hoạt động, đề án thu gom, tổ chức lực lượng vệ sinh tuyến xã mới được tính đến. Tại nhiều địa phương, đội quân thu gom rác do xã quản lý vẫn chưa hình thành.
Trong khi đó, phương án thu phí vệ sinh để lấy thu bù chi không đơn giản. “Rác thải được thu gom, trung chuyển theo phương án nào còn phải xem xét. Các xã cũng có thể chủ động phương án chuyển thẳng rác về nhà máy.
Vấn đề hiện nay là kinh phí và tổ chức nhân lực thu gom tại đầu mối các khu dân cư, trong điều kiện công ty môi trường đô thị chưa thể vươn đến nhiều vùng nông thôn”, ông Lê Chí Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, nói.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo