Bất động sản TP. HCM: Loạn thông tin
Thị trường bất động sản tại TP HCM đang có dấu hiệu ấm dần lên khi lượng giao dịch tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự sôi động được xuất hiện bởi nhiều chiêu thức tiếp thị, quảng cáo của doanh nghiệp và đội ngũ “cò đất, cò nhà”. Sự tiếp thị quá mức và những thông tin không minh bạch của một số doanh nghiệp hiện nay khiến khách hàng lo lắng và mất niềm tin khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Người dân thành phố đã quá quen thuộc với những hoạt động quảng cáo, tiếp thị bán đất nền, bán nhà như: Phát tờ rơi trên các đường phố, nhắn tin qua điện thoại, quảng cáo trên mạng, thậm chí ném giấy vào tận nhà.
Tìm hiểu Dự án Chung cư Thạnh Lộc đang xây dựng tại phường Thạnh Lộc, quận 12 với giá ưu đãi, mua nhà giá gốc, vay ưu đãi... Nhưng khi liên hệ, nhân viên bán hàng thì các nhân viên giao dịch đều nhận được câu trả lời các chung cư này đã bán hết. Nếu có nhu cầu, khách hàng phải mua qua tay với giá cao hơn giá gốc từ 20-60 triệu đồng.
Khi tìm hiểu: “Hiện tại còn căn hộ ở lầu 3 diện tích là 47,6 mét vuông, 2 phòng ngủ có giá 560 triệu đồng so với giá gốc theo hợp đồng là 520 triệu đồng. Căn hộ ở lầu 10 có giá khoảng 610 triệu, nhìn ra công viên. Nếu diện tích 58 mét vuông sẽ có giá 750 triệu đồng. Những căn hộ giá gốc đã bán hết, giờ khách hàng mua lại cũng phải làm lại hồ sơ như người mua mới”, một nhân viên tiếp thị giải thích.
TP HCM hiện có hàng trăm sàn giao dịch bất động sản và văn phòng nhà đất. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nhiệp tung tin đồn thất thiệt nhằm đánh lừa khách hàng.
Có dự án dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn làm lễ khởi công đình đám và rao bán theo kiểu “đón đầu”. Thậm chí có những doanh nghiệp được bơm tiền từ nước ngoài để đầu tư xây dựng và đầu cơ nhà, đất.
Như: Dự án First home Bình Dương với quy mô gần 1.000 căn hộ, được rao bán từ năm 2014, nhưng đến nay mới bán được 60 căn. Một Dự án First home khác tại quận 9 mới được khởi công, đơn vị này báo giá khoảng 16 triệu đồng/m2 nhưng vẫn khẳng định sẽ hỗ trợ khách hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trong vòng 15 năm.
Mặc dù không bán được căn hộ, nhưng Công ty này vẫn tiếp tục triển khai các Dự án nhà ở dành cho người thu nhập trung bình để cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tại TP HCM đã có khoảng 8.750 giao dịch nhà, đất, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị “đóng băng”, lượng tồn kho bất động sản tại thành phố hiện nay còn khoảng 12.500 tỷ đồng với trên 1.400 dự án phát triển nhà ở. Trên thực tế, giá nhà, đất nơi đây vẫn chưa trở về đúng với giá trị thực của nó.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM thì khó mà kiểm chứng được số căn hộ mà các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc bán được hay chưa.
“Nhiều Dự án họ công bố là đã bán được 80-90% để tạo ra lực hút. Thực tế họ có bán được như vậy hay không thì chúng ta không kiểm chứng được. Hoặc là chiêu thức làm giá, ví dụ hôm nay họ bán được 10 căn, ngày mai họ tăng giá lên, tăng giá lên để họ cho thấy sản phẩm của họ đang hút hàng và giá đang tăng lên từng ngày để người mua sợ tăng giá thì sẽ mua ngay. Đó là những chiêu thức maketing, pháp luật không cấm và rất khó để hạn chế được. Vấn đề ở đây là người mua phải tìm hiểu kỹ thông tin thật cụ thể để chọn mặt gửi vàng”.
Trên thực tế, thị trường bất động sản tại TP HCM đang ẩn chứa nhiều rủi ro đối với khách hàng vì họ không được cung cấp thông tin chính xác. Các chuyên gia trong lĩnh vực này khuyến cáo, trong bối cảnh thị trường “mịt mù” thông tin như hiện nay, khách hàng cần cẩn trọng lựa chọn nhà đầu tư và dự án phù hợp với tình hình tài chính của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo