Bất động sản

Siết nguồn vốn vào bất động sản: Không nên ‘giật cục’ và ‘đánh đồng’

DNVN - Toạ đàm "Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản (BĐS) - Chính sách và tác động” sáng 11/5, nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị: Việc kiểm soát nguồn vốn vào khu vực này nên có lộ trình, có rà soát. Không nên thực thi chính sách siết nguồn vốn vào BĐS theo kiểu “giật cục” và “đánh đồng”.

Làn sóng đầu tư BĐS dịch chuyển mạnh về phía Đông / COVID - 19 vẫn... phủ bóng đen lên các doanh nghiệp BĐS

Hàng loạt doanh nghiệp doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục khó khăn

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng cho rằng, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.

Trong đó, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây, một số ngân hàng cũng có động thái thông báo dừng cho vay BĐS.

Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Anh).

Theo ông Dũng, đã có nhiều quan điểm khác nhau đánh giá về tác động của chính sách đối với việc kiểm soát nguồn vốn vào thị trường BĐS.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần kiểm soát để điều chuyển dòng tiền vào phục hồi sản xuất. Một số chuyên gia cũng phát ngôn về việc kiểm soát là cần thiết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia lại có phản hồi về chính sách có thể có “tác động ngược” khi BĐS là đầu ra của hàng trăm sản phẩm của các ngành nghề sản xuất khác như vật liệu xây dựng, nội – ngoại thất, cảnh quan cây xanh, thiết bị điện, điện tử... và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động hàng năm.

“Riêng cộng đồng các doanh nghiệp BĐS, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động. Giá nhà đất có thể tăng cao và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm.

Vì vậy, đại diện các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình, có rà soát đối với dự án đủ điều kiện pháp lý, đúng tiến độ. Không nên thực thi chính sách siết nguồn vốn vào BĐS theo kiểu “giật cục” và “đánh đồng” tất cả các dự án sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS nói riêng và ảnh hưởng dây chuyền để cả hệ thống nền kinh tế nói chung”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nên giảm tiến độ lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS đến cuối năm 2023

Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị Chính phủ nên xem xét sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị giảm tiến độ lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS đến cuối năm 2023.

Ông Châu lý giả, trong thời gian vừa qua hoạt động này chưa đánh giá được năng lực thực sự của doanh nghiệp, không đánh giá được doanh nghiệp nên có tình trạng phát hành trái phiếu lừa đảo nhà đầu tư.

Cần thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS, tuy nhiên do 2 năm qua ảnh hưởng COVID-19 nên có thể kéo dài đến năm 2023.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, khi thị trường BĐS tái quay lại tình trạng “ bong bóng BĐS”, tháng 2/2011, Chính phủ tiếp tục lần thứ hai thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua Nghị quyết 11. Ngay lập tức thị trường BĐS rơi vào “khủng hoảng đóng băng”.

Bài học thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tín dụng năm 2008 và năm 2011 đã dẫn đến thị trường BĐS hai lần bị đóng băng trong hơn 10 năm qua cần phải rút ra.

“Chúng tôi cho rằng việc chúng ta có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực BĐS là cần thiết nhưng cần giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023 đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, rà soát, sửa đổi các quy định phát luật để việc phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các nhà đầu tư, để tránh tình trạng doanh nghiệp trục lợi, thậm chí lừa đảo.

Chúng ta không đi từ cực đoan này đến cực đoan khác mà cần phải có chính sách “tỉnh táo” để chúng ta tiếp tục cung ứng nguồn vốn tín dụng ở mức độ cần thiết cho thị trường BĐS, cho những nhà đầu tư có năng lực”, ông Châu khuyến nghị.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm