Bắt giám đốc công ty chỉ tuyển “ bà bầu”
Do từng công tác tại phòng thu của Bảo hiểm xã hội Cần Thơ, nên sau khi nghỉ việc, sẵn có ít kiến thức về Bảo hiểm xã hội và nắm được một số kẽ hở của ngành này, Đoàn Văn Cuống đã lập nên công ty TNHH Truyền thông Online cùng hàng loạt văn phòng ở nhiều tỉnh miền Tây, sau đó Cuống cho người tìm về các vùng nông thôn tìm kiếm và dụ dỗ những phụ nữ đang mang bầu, thuyết phục và hứa với họ nếu chấp nhận cung cấp thông tin và để công ty lo thủ tục, thì sau khi sinh mỗi người sẽ có được 2 – 4 triệu đồng.
Sau khi đã hoàn tất quá trình “đàm phán” với các bà bầu, Cuống và đồng bọn tiến hành đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để khai báo và đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (công ty đóng 100% các khoản tiền theo quy định). Đóng vừa đủ 6 tháng theo luật định sẽ lập hồ sơ làm thủ tục hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên đến ngày 1/1/2012 khi công ty Online lập danh sách đề nghị hưởng chế độ thai sản cho 5 lao động với tổng số tiền là 119.500.000 đồng thì bị Bảo hiểm xã hội Vĩnh Long nghi ngờ và báo công an.
Dù vậy trước đó tại Cầu Kè (Trà Vinh) Đoàn Văn Cuống đã trục lợi trót lọt hơn 54 triệu đồng nhờ các “nhân viên” mang bầu như: Lê Thị Mức (là vợ Cuống với số tiền 30.193.300 đồng), Hồ Thị Tr và Huỳnh Thị Th 30.720.000 đồng, Nguyễn Thị Kim Q (13.360.000 đồng), Nguyễn Thị L (24.860.000 đồng)…
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Linh - Giám đốcBảo hiểm xã hội Vĩnh Long, tại đây Cuống đã lập hồ sơ đề nghị hưởng số tiền hơn 119 triệu đồng cho 5 “nhân viên” nhưng do bị phát hiện nên chưa lấy được đồng nào. Còn tại Trà Vinh, Cuống đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ để bỏ túi hơn 150 triệu đồng. Hiện Công an tỉnh Trà Vinh đang mở rộng điều tra.
Sau vụ này nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, từ câu chuyện trên các kẽ hở trong chính sách Bảo hiểm xã hội đã bộc lộ rõ, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ tạo cho nhiều đối tượng có khả năng vận dụng để trục lợi.
Luật sư Phùng Thị Hòa – Trưởng văn phòng luật sư Chợ Lớn phân tích: Nếu đóng đủ 6 tháng Bảo hiểm xã hội cho người lao động theo luật định thì quyền hưởng chế độ thai sản là đương nhiên (với nguyên tắc có đóng - có hưởng), và cơ quan Bảo hiểm xã hội không được phép từ chối chi trả khoản này.
Vậy, còn với các kiểu công ty được lập lên chỉ để chuyên trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội như “tập đoàn” Đoàn Văn Cuống thì sao? Đây mới là vấn đề cần quan tâm. Theo luật sư Hòa, giả sử công ty đóng Bảo hiểm xã hội với mức kịch trần khoảng 16 triệu đồng/tháng, thì khi làm chế độ hưởng thai sản họ sẽ được nhận 16 triệu x 4 tháng = 64 triệu đồng.
Trong khi trước đó chỉ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế với tổng số tiền chưa đến 20 triệu đồng. Chưa kể sau đó sẽ được lãnh thêm khoản trợ cấp một lần khi sinh bằng 2 tháng lương tối thiểu chung.
Ngoài ra sau 1 năm công ty sẽ có thêm khoản trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần, mức lãnh là 1,5 tháng lương cơ bản (24 triệu đồng) nữa. Như vậy, với một ít “vốn” ban đầu sau 6 tháng công ty sẽ đạt “doanh thu” siêu lợi nhuận.
Trường hợp Đoàn Văn Cuống khi thực hiện đã có những “sơ suất” nhất định nên bị phát hiện. Nhưng với những đối tượng khác thực hiện đúng quy trình và hợp lý thì phát hiện và xử lý sao? Theo các chuyên gia, để tránh những trường hợp lập công ty, tuyển “bà bầu” nhằm trục lợi chế độ thai sản như trên thì việc sửa đổi Khoản 2 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết.
Cụ thể, phải nâng điều kiện về thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng thai sản từ 6 tháng lên 9 tháng trở lên, điều này sẽ bít được kẽ hở như cách mà Công ty Online lợi dụng. Đây là vấn đề mà những nhà làm luật và cơ quan thực hiện cần lưu tâm.
Theo Pháp luật VN
End of content
Không có tin nào tiếp theo