Chiều 15.1, theo nguồn tin từ Công an Q.7 (TP.HCM), Cơ quan CSĐT quận đang tiến hành ghi nhận lời khai của bà Trần Thị Thanh Ly (35 tuổi, tạm trú Q.1, TP.HCM), ông Trần Thành Luận (33 tuổi), ông Trần Thành Long (25 tuổi, cả hai đều ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM) để điều tra làm rõ về hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Cách đây vài năm, Ly thành lập Công ty TNHH TMDV thẩm mỹ Evy (trụ sở trên đường Cao Bá Nhạ, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), sau đó mở spa. Tại đây, Ly tổ chức sản xuất, cung cấp thực phẩm chức năng giả. Bà Ly đã mở 3 cơ sở ở Q.7 vừa làm kho chứa hàng, vừa làm nơi sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc giả...
Nhiều nguyên liệu sản xuất hàng giả được bà Ly nhập từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường; riêng nhãn hiệu, vỏ chai, tem chống giả in ấn tại VN. Ly bán đi các tỉnh với giá rẻ 10 - 20% so với giá sản phẩm thật.
Trước đó, trưa 14.1, lực lượng trinh sát của Bộ Công an phía nam phối hợp Công an Q.7 đã bắt quả tang ông Nguyễn Trí Lĩnh Nam (46 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) điều khiển xe gắn máy (BKS: 54Z2-360...) chở 2 thùng thực phẩm chức năng, nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Từ lời khai của ông Nam, lực lượng phối hợp đã kiểm tra hành chính cơ sở ở KDC Tân Quy Đông (P.Tân Phong, Q.7), thu giữ 70 thùng chứa các loại thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, kem tan mỡ bụng không có hóa đơn chứng từ...
Cùng lúc đó, 2 mũi trinh sát khác đồng loạt kiểm tra 2 cơ sở trên đường số 30, KDC Tân Quy Đông và ở KDC Nam Long (P.Phú Thuận, Q.7), thu giữ thêm 527 thùng chứa thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, mỹ phẩm mang các nhãn hiệu khác cùng nhiều tem nhãn, bao bì, vỏ hộp, máy móc các loại.
Tại Hà Nội, lực lượng QLTT Hà Nội cũng vừa phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm, giày thể thao, áo khoác và đồ chơi không hóa đơn chứng từ hợp lệ. Số hàng này được tập kết tại khu vực Bến xe Lương Yên (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cụ thể, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ gần 400 hộp mỹ phẩm mang nhãn hiệu Q., sữa rửa mặt tạo bọt B... ghi xuất xứ Hàn Quốc.
Tất cả số hàng này được cất trong các thùng giấy, ghi tên nơi nhận là Công ty cổ phần thương mại - sản xuất và dịch vụ Sao Nam (P.Tân Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Đại diện công ty này khai rằng công ty là nhà nhập khẩu và phân phối chính thức các sản phẩm trên của Hàn Quốc và số hàng trên do nhà phân phối tại Lạng Sơn gửi trả lại hàng cho công ty nhưng chưa gửi hóa đơn kèm theo.
Tuy nhiên, cơ quan QLTT cho rằng, qua kiểm tra kỹ, số mỹ phẩm trên có dấu hiệu không khớp với hóa đơn ghi trên nhãn mác, cho nên toàn bộ số hàng vẫn phải tịch thu. Ngoài ra, tại địa điểm trên, lực lượng QLTT còn phát hiện có hàng trăm bộ quần áo và giày thể thao giả nhãn hiệu hãng N. nhưng chủ các lô hàng này không xuất hiện. Hàng trăm bộ sản phẩm đồ chơi khác, không có tem hợp quy cũng bị thu giữ.
Tạm giữ 1.500 đôi giày thể thao giả
Ngày 14.1, lực lượng trinh sát của Bộ Công an kết hợp với Quản lý thị trường Q.Tân Bình (TP.HCM) và Đội Phục vụ hàng hóa nội địa, Phòng Hàng hóa chi nhánh Vietnam Airlines khu vực phía nam kiểm tra nhiều kiện giày và quần áo thời trang có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập khẩu vào VN qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản thu giữ 1.500 đôi giày thể thao và lượng lớn quần áo thời trang giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Ước tính lô hàng trị giá hàng tỉ đồng.
Ngọc Thọ
Theo Thanh Niên