Bất ngờ về nữ đại gia buôn trứng số một Việt Nam
Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà Phạm Thị Huân – Giám đốc công ty TNHH Ba Huân không chỉ để lại cho tôi ấn tượng về một người phụ nữ hiền hậu, dễ gần mà hơn cả đó là một người dành cả cuộc đời mình gắn bó cùng bà con nông dân; gắn bó với con gà, quả trứng mà bà gọi đó là nghiệp của đời bà. Cũng có lẽ vì thế nên dễ hiểu khi nhiều người gọi bà với một cái tên thân thuộc “cô Ba trứng sạch”.
Bà Huân bảo, cái tên Ba Huân được mọi người gọi do ở miền Nam có thói quen gọi theo thứ tự con cái trong gia đình. Bà là người con thứ hai trong gia đình có truyền thống chăn gà, ấp trứng. Nghề kinh doanh trứng của bà hiện nay chính là nghề được ba mẹ lưu truyền lại.
Ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ ở địa nhưng “Giận mấy người thương lái làm ăn kỳ cục, ép giá bà con”, từ quê nhà bà mở rộng thị phần lên tận Sài Gòn bằng việc thành lập cơ sở Ba Huân, rồi doanh nghiệp tư nhân và giờ là công ty để có cơ hội giúp bà con nông dân thoát nghèo.
Suốt chặng đường kinh doanh đầy chông gai, bà nhớ nhất những ngày giáp Tết năm 2003 đầy biến động: “Cái bận đó thiệt khổ hết sức! Dịch cúm gia cầm tràn về. Gà vịt lớp bệnh, lớp đem đi tiêu hủy. Bao nhiêu xe trứng của tôi đem đi đổ hết.
Thiệt hại 6 tỷ đồng, không bỏ cuộc, bà Huân gom tiền đi hết nước này tới nước khác, tìm lời giải “sao những nước có vùng dịch như mình dân họ vẫn vô tư ăn trứng?” Rồi tình cờ, bà tìm ra hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm hàng đầu thế giới ở Hà Lan.
“Tôi bán kho hàng, mượn bạn bè, vay ngân hàng mua bằng được cái máy. Vốn bỏ ra hơn 30 tỷ đồng mà tiền thu về bạc cắc, cũng ngán lắm chứ. Nhưng thấy bao nhiêu người nông dân còn khổ hơn, thôi thì liều không chỉ để cứu mình”.
Khi dây chuyền xử lý trứng công suất 65.000 trứng/giờ hoạt động tốt, bà đầu tư thêm máy có công suất gấp đôi cũng như tiếp tục rong ruổi dọc sông nước miền Tây tìm cách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn; liên kết, ký hợp đồng chăn nuôi với hàng trăm trang trại, hàng ngàn hộ nông dân khắp ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để thu mua trứng.
“Tôi kết hợp trung tâm khuyến nông, phòng nông nghiệp huyện ứng vốn mua con giống về cho bà con nuôi rồi bao tiêu”.
Để phủ sóng rộng hơn, không chỉ trong cửa hàng, siêu thị, bà mở chiến dịch “Ba Huân đến với mọi nhà”, cho nhân viên vào các chợ, đặt hàng trăm kệ hàng cho tiểu thương.
“Họ cứ đem trứng về bán, nếu trong ba ngày bán chưa hết thì tôi đổi trứng mới. Tôi còn tổ chức đội ngũ bán hàng lưu động. Những người đi bán lưu động không cần phải xuất tiền ra mua trứng, nhưng phải đi xe máy của công ty”.
Cứ vậy, ngoài trứng gà và trứng vịt tươi, các loại trứng muối, trứng vịt lộn, trứng bắc thảo mang thương hiệu Ba Huân luôn dẫn đầu thị phần.
“Bất kỳ quả trứng Ba Huân nào cũng có thể truy ngược nguồn gốc”, bà mỉm cười tự hào. Cũng có lẽ vì thế mà hiện nay doanh nghiệp của bà đã có những khách hàng thân thiết như Vissan, Kinh Đô, Bibica, Như Lan, Vinabico, Đồng Khánh... và hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co-op, Metro, Satra, Vinatex, BigC, Maximart, Citimart, Lotte, G7... ngày một tăng lên trên thị trường Tp Hồ Chí Minh.
Trứng sạch Ba Huân đã chiếm hơn 40% thị phần, có mặt tại các siêu thị chợ, điểm bán lẻ, trong các bếp ăn, nhà hàng và cung cấp nguồn nguyên liệu trứng cho cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến.
Khi được hỏi, liệu bà có ý định cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường chứng khoán để kêu gọi các nguồn lực cùng tham gia vào nghề kinh doanh trứng không?
Bà Huân bảo, nếu có nhiều nguồn lực cùng tham gia giúp cho bà con nông dân ngày càng khấm khá hơn thì đó là điều mà mừng nhất. Nhưng hiềm nỗi hiện nay nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán không vì giá trị lâu dài và gắn bó với doanh nghiệp.
Hơn nữa, nếu có cổ phần hóa và đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông thì mục tiêu lợi nhuận phải được đưa lên hàng đầu điều đó lại đi ngược với chủ trương bình ổn giá mà công ty Ba Huân đang lỗ lực tham gia cùng Tp Hồ Chí Minh.
“Chạy theo lợi nhuận, bỏ rơi quyền lợi của người nông dân là điều tôi không thể làm”.
Ở góc độ thị trường, bà Huân cho rằng hiện nay các nhà đầu tư cũng sẽ không mặn mà với lĩnh vực gia cầm vốn được xem nhạy cảm, gần như năm nào cũng có dịch xảy ra. Chính vì thế đây là giai đoạn để công ty bà tăng tốc, nâng cao khả năng sản xuất và ý thức cho người nông dân.
“Biết đâu năm 2015 công ty Ba Huân cũng sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán và kêu gọi các đối tác khác cùng vào kinh doanh thì người nông dân đã “cứng” để tham gia vào cuộc chơi một cách đầy tự tin”.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo