Quốc tế

Bầu cử lại tại Hy Lạp: Chống ‘‘sóng thần”

Hôm nay (17/6), 10 triệu cử tri Hy Lạp đi bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức lại vì không Đảng nào có thể đứng ra thành lập Chính phủ.

Kết quả của cuộc bầu cử lại sẽ quyết định liệu Athen có rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không.

 

Lãnh đạo nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chuẩn bị các phương án đối phó với mọi “kịch bản” có thể xảy ra, kể cả một đợt “sóng thần” trên thị trường tài chính, hay tình trạng hoảng loạn ở Hy Lạp cũng như trong khu vực.

 

Đây không chỉ là sự kiện mang tính quyết định đối với tương lai của Hy Lạp trong Eurozone mà còn được xem là một “liều thuốc thử” đối với nền kinh tế châu Âu và toàn thế giới.


Hy Lạp: Ở lại hay ra đi (?)



Người đứng đầu Đảng Cánh tả Hy Lạp Syriza ông Alexis Tsipras hôm 14/6 khẳng định, những thỏa thuận cứu trợ của Hy Lạp sẽ trở thành “lịch sử” sau cuộc bầu cử ngày 17/6.

 

Ông Alexis Tsipras nói: “Sau cuộc bầu cử, người dân Hy Lạp sẽ bước vào kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên của sự thay đổi và cải cách lớn lao cho người dân. Hy Lạp sẽ bước vào một kỷ nguyên của sự phát triển và đoàn kết. Chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi đất nước”. 


Theo giới phân tích, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, chiếm 0,4% kinh tế của toàn cầu, thế nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía Nam châu Âu này lại có thể gây nên “cơn sóng thần tài chính” tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.

 

Theo Hãng tin Reuters của Anh, người dân Hy Lạp đã đổ xô đi rút tiền ra khỏi các ngân hàng, đồng thời tích trữ lương thực trước cuộc bầu cử căng thẳng và quan trọng hôm nay. Nguyên nhân là do người dân nước này lo ngại kết quả bầu cử có thể đẩy nước này ra khỏi Eurozone.

 

Các nhân viên ngân hàng Hy Lạp cho biết, mỗi ngày có khoảng 500-800 triệu Euro đã được rút ra từ hệ thống các ngân hàng trong mấy ngày qua. 



Không chỉ vậy, các cửa hàng bán lẻ và hệ thống siêu thị cho biết, người dân đang đua nhau mua mì ống và đồ hộp để đề phòng trường hợp thiếu lương thực khi đứng trước lo lắng từ những lời đồn đoán rằng Hy Lạp có thể quay lại với đồng nội tệ nếu ứng viên Alexis Tsipras, lãnh đạo Đảng Dân chủ cánh tả Syriza chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. 



“Liều thuốc thử” 



Các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) thông báo các Ngân hàng Trung ương đã sẵn sàng áp dụng những biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính, giúp bảo đảm khả năng thanh toán của các ngân hàng trong trường hợp xấu nhất.

 

Vấn đề này tiếp tục được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao G-20 tổ chức ở Mexico ngày 18 và 19/6 tới.

 

Tuy nhiên, tính toán của cố vấn kinh tế của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, ông Andre Sapir cho thấy “chi phí trực tiếp” cho việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ lên tới 400 tỷ Euro, trong khi đó, “chi phí gián tiếp” cho kịch bản này thậm chí còn đáng lo ngại hơn.

 

Theo đánh giá hiện nay của Tập đoàn Goldman Sachs, kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ khiến cho nền kinh tế của toàn bộ khu vực châu Âu phải đối mặt với nguy cơ bị thâm hụt từ mức 1-2%. Và, nếu như kịch bản Eurozone bị sụp đổ trở thành hiện thực thì mức thâm hụt này sẽ tăng lên mức xấp xỉ 2 con số.



Diễn biến tại Hy Lạp có thể sẽ làm rung chấn toàn cầu bằng cán cân đồng Euro, bởi khi đó, lượng Euro mà các ngân hàng quốc gia này đang nắm giữ sẽ bị tách khỏi lượng tiền Euro ở các nước khác thuộc Eurozone, và sẽ được chuyển dần thành một đồng tiền riêng biệt.

 

Điều này gây tác động tới kinh tế toàn cầu qua 3 kênh lòng tin, tài chính và thương mại, từ đó có thể sẽ dẫn đến một “đợt sóng thần” tài chính - kinh tế toàn cầu như năm 2008. Kịch bản này sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động ngoại thương, tài chính và chỉ số lòng tin trên toàn thế giới và dẫn tới kinh tế toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.

 

Theo tính toán của nhà kinh tế Lupton, những nạn nhân đầu tiên sau quyết định khai trừ Hy Lạp khỏi Eurozone sẽ là các nước láng giềng ở châu Âu vốn có mối quan hệ kinh tế gần gũi với Eurozone gồm Hungary và CH Czech.

 

Ngay Nga và một số nước khác thuộc khu vực Trung Đông, vốn phụ thuộc phần lớn vào các hoạt động sản xuất dầu mỏ, cùng Australia và Brazil - 2 nước xuất khẩu quặng sắt lớn trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu như kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone trở thành hiện thực. 

 

 

Theo ANTĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo