Chân dung

Bầu Đức - đại gia ngàn tỉ “dấn thân” vào VFF

Lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy lãnh đạo VFF có một “đại gia ngàn tỉ” đúng nghĩa. Đó là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - người giàu thứ nhì Việt Nam. Thế nhưng, liệu với vai trò Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính - tài trợ, ông Đoàn Nguyên Đức, còn gọi là bầu Đức có thành công?

Ông Đoàn Nguyên Đức.

Đại gia đến - đại gia đi

Bầu Đức có bao nhiêu tiền? Câu hỏi này rất dễ trả lời. Trong danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán năm 2013, bầu Đức đứng thứ 2, sau đại gia Nhật Vượng, với khối tài sản lên tới 6.400 tỉ.
 
Tuy nhiên, việc ông Đoàn Nguyên Đức chấp nhận ra tranh cử chức Phó chủ tịch VFF lại khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong làng bóng đá không thiếu những đại gia ngàn tỉ đến rồi… đi.
 
Ngoài bầu Kiên ra đi bất đắc dĩ vì dính vào một đại án kinh tế thì bóng đá Việt từng có ông bầu “ngàn tỷ” như Trần Đình Long - Chủ tịch CLB Hòa Phát, ông Phước Vũ từng là Chủ tịch Tôn Hoa Sen Cần Thơ hay bầu Thụy của Xi măng Xuân Thành Sài Gòn… Tất cả những ông bầu trên đã rút lui một cách khá lặng lẽ sau một thời gian đổ tiền vào bóng đá Việt.
 
Khi các ông bầu tìm cách thoái lui, hoặc ẩn danh nhường ghế chủ tịch CLB cho cấp dưới như bầu Hiển, bầu Trường, bầu Thắng thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức lại… tiến lên thậm chí “nổi bồng bềnh” trong vai trò trọng yếu của VFF. Nhưng như thế mới là bầu Đức, làm những việc mà người ta chưa làm hoặc không muốn làm. 
 
15 năm trước, bầu Đức bắt đầu “ôm mộng” làm bóng đá khi gắn tên doanh nghiệp vào tên địa phương tạo nên một Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng chưa đủ, cái ngông của bầu Đức chính là việc lôi được Kiatisak về phố Núi, cộng hàng loạt những ngôi sao Việt để biến HAGL từ một đội bóng tỉnh lẻ trở thành một thế lực của bóng đá Việt. Từ hạng nhất, lên V.League và vô địch ngay - đó là kỷ lục của bóng đá Việt.
 
Cũng như việc mua máy bay riêng, đầu tư sang Lào, sang cả Myanmar… bầu Đức chứng tỏ là người đi tiên phong. Với cái vẻ bất cần pha chút bụi bặm, ông bầu ngàn tỉ này từng có lúc ngạo nghễ tuyên bố: “Cả đời tôi chẳng làm phó cho ai”. Nhưng đến lúc này, bầu Đức đã hai lần làm phó, đầu tiên là làm phó cho ông Võ Quốc Thắng.
 
Khá lạ, khi cả hai cùng làm bóng đá (bầu Đức đầu tư vào HAGL, bầu Thắng đầu tư vào Đồng Tâm Long An) thì hai ông bầu này từng “đấu đá” không biết mệt kiểu con gà tức nhau tiếng gáy.
 
“Thua đội nào cũng được nhưng không được thua ĐT.LA” - bầu Đức từng “ra lệnh” như vậy. Ấy thế nhưng khi bầu Kiên đứng ra kêu gọi thành lập Công ty phát triển bóng đá Việt Nam (VPF) thì bầu Đức đã khá vui vẻ, sẵn sàng làm phó cho bầu Thắng trong vai trò PCT Hội đồng quản trị VPF.
 
Bây giờ, đến lượt bầu Đức làm phó cho Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Nhìn bộ đôi doanh nhân Lê Hùng Dũng - Đoàn Nguyên Đức lãnh đạo VFF người ta vẫn thấy “thiêu thiếu” điều gì. Dường như đó là khả năng “ăn sóng nói gió” của bầu Kiên.
 
Khi ông Dũng lên làm chủ tịch VFF và đặt ra vấn đề quan tâm tới vấn đề cá cược bóng đá hợp pháp thì không ít người đã giật mình: Câu chuyện hôm nay, với ông Dũng làm chủ tịch VFF, bầu Đức làm phó chủ tịch VFF và sự ra đời của VPF là đã có một… lộ trình từ nhiều năm mà đích đến chính là đề án cá cược bóng đá mà nhiều khả năng VPF sẽ trở thành một trong những nhà tổ chức.
 
Nếu bầu Kiên không bị bắt (và sắp bị xét xử ngày 17.4 tới) thì ghế Phó chủ tịch VFF sẽ khó thoát khỏi tay bầu Kiên. Và như thế, nhóm các ông bầu sẽ tạo ra một thế lực rất mạnh đối với bóng đá Việt.
 
Giờ đây, bầu Đức có thể coi là thế chỗ bầu Kiên để tiếp tục “cuộc cách mạng bóng đá”, nhưng điều ấy không dễ dàng.
 
Đánh bạc với U19
 
Có thể nói trên phương diện truyền thông, bầu Đức chỉ nổi khi bầu Kiên… chìm. Bầu Đức trước đây, cũng chỉ sắm vai ông chủ một đội bóng chứ không cho thấy là ông chủ và có tiếng nói quyết định như bầu Kiên.
 
Để có được hình ảnh lan tỏa như ngày hôm nay, bầu Đức phải trải qua khá nhiều công đoạn… đánh bóng. Đầu tiên là cú bắt tay với ông Lê Hùng Dũng mời Arsenal sang Việt Nam giữa năm 2013. Đó là tiếng vang lớn.
 
Thế nhưng phải đến khi đội U19 Việt Nam mà thành phần nòng cốt là U19 Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG tạo nên cơn địa chấn ở giải ĐNÁ, vòng loại giải Châu Á với thứ bóng đá đẹp mắt, hiệu quả thì bầu Đức mới trở thành một người hùng.
 
Câu chuyện U19 HAGl Arsenal, ban đầu chỉ là một câu chuyện kinh doanh đơn thuần. Khi bầu Đức quyết định phá cây caosu để lấy đất làm Học viện bóng đá nhiều người giật mình.
 
Rất trùng hợp là cây caosu từ lúc trồng đến lúc thu hoạch được mủ cũng mất khoảng 5-6 năm, một lứa cầu thủ “ra lò” có thể bán được trên thị trường chuyển nhượng cũng bằng chừng ấy thời gian. Khác nhau là ở chỗ, cây caosu cho những khoản tiền chắc chắn hơn, đều đặn hơn trong khi quá trình “trồng” cầu thủ lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 
Ấy thế mà bầu Đức vẫn làm với một bài toán tưởng chừng như rất ngây thơ: Bỏ ra 2 triệu USD, cộng với 2 triệu của Arsenal và một khoản chi phí khác, sau 7 năm sẽ ra lò một lứa cầu thủ có thể bán ra thị trường Châu Âu với mức từ 500.000 USD đến 10.000.000 USD mỗi em? Vâng, chính xác là 10 tỉ đến… 100 tỉ mỗi cầu thủ. Nói đến đây thì nhiều người cười thầm: Vậy chắc bầu Đức định đào tạo ra những Messi, Ronaldo...
 
Khi VFF chấp thuận cho đội U19 HAGL Arsenal đại diện luôn cho Việt Nam với danh nghĩa U19 Việt Nam, không ít người đã có chung suy nghĩ rằng: “Nếu ông Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức không cùng một “cạ” với nhau, liệu VFF có dám chấp nhận bỏ rơi hàng loạt lò đào tạo trẻ khác để “đặt niềm tin” vào lứa cầu thủ của bầu Đức?”.
 
Nếu là bài toán kinh doanh đơn thuần, bầu Đức chắc chắn “lỗ chỏng gọng” vì làm sao bán được lứa U19 (dù chơi hay) với giá hàng chục, hàng trăm tỉ trong thời buổi kinh tế rất khó khăn này? Cái lãi của ông Đức trong thương vụ U19 này là lãi ngầm. Ngay cả việc bỏ tiền cho đội U19 sang Châu Âu tập huấn cũng vậy.
 
Một mũi tên bầu Đức bắn đi trúng nhiều đích. Thứ nhất, các cầu thủ được cọ xát, học hỏi. Thứ hai, đây là cơ hội tuyệt vời để bầu Đức “tiếp thị hàng”, tức là lứa cầu thủ U19 sang thị trường Châu Âu. Thứ ba, cùng chuyến đi của U19 thương hiệu của bầu Đức đã lên rất cao và chuyện ông bầu này trúng ghế PCT VFF là điều hiển nhiên.
 
Những người như bầu Đức không bao giờ để sản phẩm của mình… đóng băng, luôn có phương án 2. Nếu tháng 7 này các cầu thủ U19 “ra lò” nhưng bị “ế hàng”, không có nơi nào mua và HAGL phải ôm trọn, thì phương án 2 là lứa cầu thủ này sẽ tiếp tục được bồi dưỡng để trở thành… đội tuyển U23, đội tuyển QG để nhắm tới mục tiêu HCV SEA Games, thậm chí World Cup năm… 2018 như tuyên bố của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
 
Vậy, cái thương hiệu “đại gia ngàn tỉ” của bầu Đức có giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển? Điều này rất khó nói và thật sự là kể từ khi vào ghế PCT VFF, bầu Đức kín tiếng hẳn. Có lẽ, bầu Đức biết rằng cuộc “dấn thân” vào VFF phức tạp hơn nhiều so với việc ông bỏ mấy trăm tỷ đầu tư cho HAGL và Học viện HAGL Arsenal JMG. Lần này, bầu Đức lại… đánh bạc, dù ông không đặt cược tiền bạc, mà là danh tiếng của mình vào cuộc chơi mang tên VFF.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo