Chân dung

Bầu Đức tăng tốc, nữ quyền góp công làm giàu

Bầu Đức dự kiến lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai tăng 50%, trong khi bầu Thụy có đơn xin từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bầu Đức đặt mục tiêu tăng gấp rưỡi lợi nhuận

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa qua đã công bố nghị quyết về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) dự kiến lợi nhuận sau thuế năm nay tăng 50% so với năm ngoái, đạt 1.460 tỷ đồng. Một phần lợi nhuận này sẽ được bầu Đức sử dụng chi trả cổ tức với tỷ lệ 10-15% trên mệnh giá.

Lần trả cổ tức bằng tiền mặt gần đây nhất của HAGL là năm 2012 với tỷ lệ 5%. Khi đó, các cổ đông tập đoàn đã từng phê duyệt phương án giữ lợi nhuận 2012 để tái đầu tư nhưng sau đó lại thay đổi và chuyển sang chia bằng tiền mặt. Năm 2013, HAGL trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1.

Về thù lao cho các lãnh đạo, HAGL thống nhất mức 21 triệu đồng một tháng cho mỗi thành viên trong hội đồng quản trị độc lập hoặc không điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, công ty cũng trích 0,5% lợi nhuận sau thuế để thưởng theo kết quả kinh doanh cho các thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và thư ký.

Bầu Đức đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay của HAGL là 1.460 tỷ đồng và trích một phần số này để trả cổ tức bằng tiền mặt.

Hiện hội đồng quản trị HAGL có 7 thành viên. Trong đó, bà Võ Thị Huyền Lan và ông Pornchai Lueangapangpon là thành viên độc lập và không sở hữu cổ phiếu HAG.

Ngoài thu lời từ cao su, mía đường và bất động sản, bầu Đức cho biết năm nay tiếp tục triển khai đầu tư vào lĩnh vực dầu cọ và ngô. Theo đó, tập đoàn lên kế hoạch xuất khẩu ngô từ Lào và Campuchia về Việt Nam trong quý II/2014. Đồng thời, HAGL cũng dự kiến xây dựng nhà máy ép dầu cọ tại Campuchia để chuẩn bị cho công tác thu hoạch và chế biến vào năm 2015.

Bầu Đức từng dự đoán phải đến giai đoạn năm 2015-2016 mới là thời điểm gặt hái thành công đột biến của HAGL.

“Từ năm 2015 trở đi, không chỉ có cao su và mía đường mang về lợi nhuận cao, tập đoàn sẽ có thêm dòng tiền thu từ 15.000 hecta dầu cọ. Hiện nhà máy sản xuất và chế biến dầu cọ đang xây dựng, có thể khánh thành vào năm 2015. Riêng dự án khu phức hợp tại Myanmar, theo kế hoạch năm 2015 sẽ có lợi nhuận chuyển về Việt Nam”, ông ước tính.

Năm 2013, kết quả kinh doanh của HAGL cũng có bước tăng trưởng rõ rệt với lợi nhuận sau thuế đạt gần 950 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với một năm trước. Trong đó, lĩnh vực mía đường mang về cho tập đoàn 838 tỷ đồng doanh thu còn hoạt động bán mủ cao su đạt 328 tỷ đồng.

Hồi tháng 2, cổ phiếu HAG của tập đoàn cũng từng khiến giới đầu tư phát sốt khi liên tục tăng giá, thanh khoản từng có lúc lên cao nhất kể từ khi HAGL niêm yết trên sàn vào năm 2008. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, thị giá HAG đạt 28.100 đồng, tăng hơn 37% so với thời điểm đầu năm.

Nữ 8x ngồi "ghế nóng" thay bầu Thụy

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng công bố thông tin thay đổi nhân sự tại Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành.

Theo đó, sau khi chính thức bán xong 22,5 triệu cổ phiếu VIX vào ngày 1/4, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán Xuân Thành cũng có đơn xin từ nhiệm.

Sau khi bán xong toàn bộ cổ phiếu, ông Nguyễn Đức Thụy cũng có đơn từ nhiệm chức Chủ tịch Chứng khoán Xuân Thành.

Thay thế vị trí Chủ tịch của bầu Thụy là bà Thẩm Thị Mai Hương. Theo giới thiệu từ Chứng khoán Xuân Thành, bà Hương sinh năm 1982, trình độ chuyên môn trung cấp ngành Kế toán. Các Thành viên Hội đồng quản trị còn lại gồm ông Trịnh Xuân Sơn, bà Nguyễn Thị Thanh, Lê Thị Hồng Tâm, Nguyễn Bích Diệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh thậm chí còn trẻ hơn bà Hương 10 tuổi. Bà Thanh sinh năm 1992 tại Ninh Bình. Theo hồ sơ, bà Thanh chỉ vừa tốt nghiệp Cao đẳng Kế toán tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2013.

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Sơn dường như là người “cứng” hơn cả về tuổi đời, tuổi nghề lẫn bằng cấp. Ông Sơn sinh năm 1976, là thạc sỹ kinh tế, có bằng cử nhân luật, hiện phụ trách Tư vấn đầu tư của công ty cổ phần Chứng khoán MB.

Nữ doanh nhân kiên cường hơn nam giới

Chia sẻ với Bloomberg, bà Lê Thị Thu Thủy - cựu CEO Vingroup cho biết bà đã đứng trên quan điểm của người mẹ khi xây dựng khu trung tâm mua sắm lớn nhất Việt Nam - Vincom Mega Mall Royal City, với công viên nước trong nhà và sân trượt băng. Nữ doanh nhân đã có hai con nhỏ giải thích: “Chẳng có chỗ nào để cả gia đình có thể đi chơi được cả”. Hiện nơi này đã trở thành điểm đến của rất nhiều em bé và các cặp đôi trẻ tuổi, cho thấy kế hoạch của bà rất thành công.

Các lãnh đạo nữ như bà cũng được nhà đầu tư rất khen ngợi, khi Việt Nam đang là thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất châu Á năm nay. Chỉ số gồm các công ty có CEO nữ cũng tăng gấp ba trong 5 năm qua, theo số liệu của hãng nghiên cứu Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC).

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, thành công của các lãnh đạo nữ tại Việt Nam một phần do các kỹ năng có được sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Khi phần lớn đàn ông nhập ngũ, phụ nữ phải đảm đương việc kinh doanh, quản lý tài sản gia đình và nuôi dạy con cái.

Cổ phiếu Vingroup cũng tăng hơn gấp 8 kể từ năm 2009. Bà Lê Thị Thu Thủy gia nhập công ty năm 2008 và nhậm chức CEO 4 năm sau đó. Tổng giám đốc mới của Vingroup cũng là một phụ nữ - bà Dương Thị Mai Hoa.

Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch công ty chứng khoán VNDirect cho biết các bài học này đã được duy trì tại Việt Nam, khi những bà mẹ truyền lại kinh nghiệm cho con cháu.

Bà Mai Kiều Liên là CEO Vinamilk từ năm 1992

Dù nữ giới chỉ chiếm chưa đến 7% ghế lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam, đây vẫn là tỷ lệ cao nhì Đông Nam Á, sau Philippines.

“Không như nhiều nước châu Á khác, phụ nữ Việt Nam rất được tin tưởng trao quyền lực. Đó là một phần văn hóa tại đây. Phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ, thông minh và tận tụy”, ông Peter Ryder – CEO Indochina Capital cho biết. Ông cũng đầu tư vào rất nhiều công ty do nữ giới lãnh đạo, như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Bà Mai Kiều Liên là CEO Vinamilk từ năm 1992. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, bà cho biết lãnh đạo nữ có xu hướng thận trọng hơn nam giới, từ đó quản trị rủi ro tốt hơn.

Cổ phiếu Vinamilk đã tăng liên tục 5 năm gần đây. Hiện hãng đã xuất khẩu sản phẩm sang 23 quốc gia và đặt mục tiêu doanh thu hơn 3 tỷ USD năm 2017.

Bà Vũ Thị Thuận – cựu CEO hãng dược phẩm Traphaco cho biết bà luôn duy trì thói quen ăn trưa với nhân viên suốt 11 năm tại vị. Việc này đã giúp bà giữ được nhân viên kể cả khi họ có cơ hội nhận mức lương cao hơn bên ngoài. Freund cũng nhận xét lãnh đạo nữ tại Việt Nam “rất giỏi duy trì môi trường gắn kết như gia đình trong công ty”.

 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo