Bầu Kiên: ‘Không có chuyện đẻ ra hợp đồng để trốn thuế'
Buổi sáng, chủ tọa sau khi xét hỏi bầu Kiên, đã mời bà Ngọc Lan vợ bầu Kiên để thẩm vấn làm rõ (xem chi tiết tại đây)
"Không có chuyện đẻ ra hợp đồng để trốn thuế"
HĐXX mời bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bầu Kiên).
Bà Hương cho biết, khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Công ty B&B, bà chỉ trao đổi với anh trai là Nguyễn Đức Kiên, còn ký hợp đồng thì ký với bà Đặng Ngọc Lan.
“Tại sao đàm phán với một người, ký với một người?”- HĐXX hỏi.
“Ký với ai không quan trọng, vì chắc phải có thẩm quyền mới được ký”- bà Hương đáp.
Bà Hương cũng cho biết, khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với B&B, bà không đặt cọc vì cho rằng B&B là công ty gia đình, dù bầu Kiên đã giải thích đặt cọc để bảo đảm lòng tin.
“Tôi ủy thác cho B&B và tôi có ký phụ lục cho phép B&B ủy thác lại cho bên thứ ba. Còn việc thực hiện giữa B&B với bên thứ ba thế nào tôi không nắm được”- bà Hương giải thích.
Bà Hương cho biết, kết quả của việc thực hiện hợp đồng ủy thác, bà Hương được chia lãi lần đầu là 68 tỷ đồng. Lần thứ hai, B&B báo cáo có một khoản có lãi, nhưng lỗ tiềm năng hàng trăm tỷ nên không phân chia lãi. Lần ba ghi nhận lỗ 400 tỷ đồng, hiện bà Hương đã trả cho B&B 90 tỷ đồng.
Bầu Kiên sau đó được đưa vào phòng xử án và được phép trình bày nội dung kháng cáo liên quan đến tội trốn thuế.
Bầu Kiên cho biết việc đồng ý cho em gái ký hợp đồng với công ty B&B để đầu tư vàng là với mục đích cho cơ hội đầu tư và dạy em gái việc kinh doanh. Việc ký hợp đồng là hoàn toàn hợp pháp, đúng pháp luật. Theo bầu Kiên, không có bất kỳ một cơ quan nào nói rằng các cá nhân không được ký hợp đồng đầu tư vàng với các ngân hàng.
"Tôi đưa ra hai điều kiện với em tôi: Nếu lãi em được hưởng, nếu lỗ anh sẽ giúp, nên không phải lo chuyện lỗ lãi. Do em chưa biết việc đặt lệnh nên anh sẽ giúp... Sau đó, tôi ủy quyền cho vợ tôi thay mặt B&B ký với Hương”.
Bầu Kiên cũng cho rằng, công văn của Tổng cục Thuế trả lời cơ quan cảnh sát điều tra đưa ra ý kiến về tính pháp lý của hợp đồng thương mại (khẳng định hợp đồng ủy thác là vô hiệu-PV) là không đúng thẩm quyền.
"Cho đến giờ này, tôi hoàn toàn tin rằng hợp đồng của Hương ký với B&B, Hương đồng ý để B&B ủy thác lại cho Ngân hàng ACB là đúng pháp luật tới từng chữ. Đây là hợp đồng do tôi thảo. Hợp đồng B&B ký với ACB theo mẫu của ACB nên tôi không bình luận"- bị cáo Kiên khẳng định.
"Thời điểm cuối năm 2008, tôi như 90 triệu công dân khác không thể biết 6 tháng sau có Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn giảm thuế TNCN để có thể làm giả tạo hoặc ngụy tạo hợp đồng. Cả hai không thể trốn thuế được từ hợp đồng này. Bởi căn cứ vào Luật Quản lý thuế, khi ký hợp đồng, Hương có lợi nhuận thì B&B phải thay mặt Hương kê khai mà nộp thuế TNCN. Mức thuế của Hương là 30%, trong khi thuế TNDN của B&B là 25%. Thuế của Hương cao hơn thuế của B&B nên không có chuyện đẻ ra hợp đồng này để trốn thuế".
Cũng theo bị cáo Kiên, nếu vì lý do nào đó hợp đồng giữa B&B và bà Hương bị tuyên là trái pháp luật thì B&B cũng không trốn thuế, vì quyết toán thuế doanh nghiệp cho phép B&B trích dự phòng tài chính. Như vậy, B&B lỗ 77 tỷ trong năm 2009. Căn cứ nghị định miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009, B&B được giảm 30% thuế. Điều này được không đưa vào kết quả giám định”.
Tại tòa, bầu Kiên cũng cho rằng, việc Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 75 tỷ là không đúng quy định pháp luật. "B&B là pháp nhân, tôi là cổ đông. Nếu trốn thuế, trách nhiệm phải nộp là pháp nhân, không phải của cá nhân"- bầu Kiên khẳng định.
Hòa Phát không còn thiệt hại hay không có thiệt hại ?
Buổi chiều, HĐXX chuyển qua thẩm vấn về tội lừa đảo.
Ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) khai tại tòa: Tập đoàn Hòa Phát sản xuất đa ngành, trong đó có thép và bất động sản. Trước bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, theo chủ trương của HĐQT, Tập đoàn thu hẹp quy mô, chỉ tập trung cho ngành thép.
“Tôi đề nghị anh Kiên, tôi muốn mua lại cổ phần thép của anh Kiên và bán cổ phần bất động sản, thực chất là rút tiền đầu tư khỏi bất động sản. Tất cả thỏa thuận anh Kiên nói tại tòa sơ thẩm đúng là như thế. Thỏa thuận của chúng tôi là tôi bán cổ phần của Bất động sản Hòa Phát Á châu cho anh Kiên, anh Kiên bán cổ phần Thép Hòa Phát cho tôi”- bầu Long nói.
Tại tòa phúc thẩm, ông Long một lần nữa khẳng định không biết 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát đang bị thế chấp tại ACB, làm nghĩa vụ bảo đảm cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do công ty ACBI phát hành.
"Ngày 4-9-2012, có hai anh ở cơ quan cảnh sát điều tra đến làm việc với chúng tôi. Đến 5-9, anh Thứ gọi điện lại, hỏi có biết cổ phiếu này bị thế chấp không? Lúc đó tôi cũng giật mình, thực sự không biết gì cả. Chúng tôi cử người sang hỏi anh Thanh (ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ACBI, đồng phạm với bầu Kiên về tội lừa đảo, bị tuyên 5 năm 6 tháng tù). Anh Thanh xác nhận cổ phiếu đã thế chấp, ACBI đang làm thủ tục giải chấp. ACBI sau đó có công văn gửi cho chúng tôi nói số cổ phiếu đó đang được làm thủ tục giải chấp”- ông Long cho biết.
Ông Trần Tuấn Dương (TGĐ Tập đoàn Hòa Phát) sau đó cũng xác nhận những việc ông Long báo cáo trước tòa là hoàn toàn đúng và cũng không biết số cổ phần này bị thế chấp. Ông Dương cho rằng đó là sơ xuất về hành chính và xác nhận lại một lần nữa “đến thời điểm này chúng tôi không có thiệt hại gì”.
Tòa hỏi ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát. Ông Hà khẳng định mình là người ký xác nhận đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần nói trên.
“Thời điểm đó giám đốc đi vắng, tôi được ủy quyền ký giấy xác nhận đề nghị phong tòa kiêm ủy quyền chuyển nhượng cổ phần, Tôi nghĩ đó là ký xác nhận bình thường. Tôi có sơ suất là không lưu, không báo cáo. Tôi quên mất... Tôi đã phải làm văn bản giải trình nhận lỗi đối với Ban lãnh đạo Tập đoàn”.
Tòa cũng thẩm vấn ông Kiều Chí Công (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát), người ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần với ACBI. Ông Công khẳng định không phải là người trực tiếp đàm phán hợp đồng mà đây là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn và ông Công cũng khẳng định không biết số cổ phần này đang bị thế chấp.
Tòa quay lại hỏi TGĐ Trần Tuấn Dương: “Ông nói chúng tôi không có thiệt hại. Đề nghị làm rõ, vào thời điểm xảy ra vụ việc, trước khi cơ quan điều tra thông báo số cổ phiếu bị phong tỏa, Hòa Phát có thiệt hại không? Không còn thiệt hại hay không có thiệt hại?”
“Tôi không đủ ngôn ngữ về mặt luật. Chính xác là đến nay không còn thiệt hại nữa”- ông Dương đáp.
Tòa hỏi ông Kiều Chí Công: “Có đề nghị gì không?”.
Ông Công đáp “không có đề nghị gì, thậm chí tôi còn không muốn ra tòa này”.
Phiên tòa tạm nghỉ, sáng mai tiếp tục làm việc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo