Vừa qua, tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức lắp đặt thử nghiệm bể chứa xăng hai lớp SF đầu tiên trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ các nước đang phát triển sử dụng công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản.
Theo ông Ông Masuda Chikahiro, Phó Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam thì loại bể chứa xăng dầu đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam hiện nay chỉ có một lớp nên độ an toàn của nó không thể bằng bể chứa hai lớp. Vì bể hai lớp có thể ngăn được rò rỉ xăng dầu ra ngoài gây tác động xấu đến môi trường đất, nước cũng như bảo đảm an toàn hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, bể hai lớp có khả năng sử dụng rất lâu nên có hiệu quả kinh tế về lâu dài.
Do vậy, hiện nay JICA đang hỗ trợ công ty Tamada của Nhật Bản, tiến hành nghiên cứu khảo sát phổ cập loại bể chứa xăng dầu hai lớp SF vào các cửa hàng xăng dầu ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, công ty Tamada Nhật Bản cũng chuyển giao công nghệ sản xuất và lắp đặt bể chứa cho Petrolimex. Công ty cổ phần xây lắp 1, đơn vị thành viên của Petrolimex là nơi trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ đã sản xuất thành công 2 bể chứa cho lần lắp đặt thử nghiệm đầu tiên này.
Tuy nhiên, để công nghệ mới này được áp dụng rộng rãi trong cả nước thì vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí cao trong khi chỉ riêng Petrolimex hiện nay, đã có hơn 2000 của hàng xăng dầu đang sử dụng bể chứa cũ, rất khó có thể thay thế cùng lúc.
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn xăng dầu Việt Nam cho biết qua thử nghiệm lần này sẽ có đánh giá một cách tổng thể toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, chi phí để từ đó có lộ trình và kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm ứng dụng công nghệ này tại các của hàng xăng dầu được xây dựng mới hay các cửa hàng cải tạo sửa chữa.
Sau lần lắp đặt thử nghiệm tại cây xăng số 90 phố Cây Đa Bác Hồ, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội thì JICA và Petrolimex sẽ tiếp tục lắp đặt thử nghiệm công nghệ mới này lần thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh./.
Bể chứa xăng dầu hai lớp SF bao gồm lớp vỏ bên trong bằng thép và lớp vỏ bên ngoài bằng chất FRP tạo nên khe hở nhằm dò tìm phát hiện rò rỉ các chất dễ cháy nổ từ lớp vỏ bên trong. Lớp vỏ bên ngoài FRP cũng có chức năng bảo vệ chất liệu thép của phần vỏ bên trong khỏi những hư hại bên ngoài (như rỉ sét…).
Việc hoàn thiện lớp vỏ ngoài FRP được thực hiện bằng phương pháp phun nhựa sợi (spray-up) độc đáo bằng robot, tạo cho lớp FRP thành một khối liền mảnh, không có các mấu nối (seamless). Ngoài ra, do đúc khuôn trực tiếp bể chứa nên hình dạng sẽ được đảm bảo, không bị suy yếu tính năng (không bị bong ở phần mối nối).
Bể chứa dầu loại này đã được chính thức công nhận tại Nhật Bản và được sử dụng rộng rãi từ năm 1993.
Hoàng Tuấn