Bên “đường hầm không lối thoát” ở Cẩm Phả, chợt nghĩ về phản biện Bô xít ở Tây Nguyên
Một ngày cuối năm, tôi trở lại tuynen Tây Khe Sim (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Đang là mùa chiến dịch. Hàng ngày, Công ty Dương Huy sản xuất từ 7- 8 nghìn tấn than nhưng cái tuynen này nhỏ quá, tàu chở đoàn goòng một tấn, không thể vận chuyển hết than nên buộc Công ty phải chở than bằng ô tô. Vậy mà trước đây có người cho rằng, tuyến này là “ Đường hầm không lối thoát”!
Từ “Đường hầm không lối thoát”, tôi chợt liên tưởng tới những phản biện về hai dự án thí điểm khai thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên …
tuynen Tây Khe Sim hiện nay là đường hầm xuyên qua núi, có chiều dài 1840 mét, diện tích tiết diện 17,6 m2; trong đó đặt đường sắt cho tàu kéo đoàn goòng 1 tấn đi qua. Theo thiết kế, than khai thác từ Mỏ Khe Tam (Than Dương Huy), qua cụm sàng mặt bằng 38, rót xuống tàu, qua tuynen Tây Khe Sim, tập kết tại mặt bằng 7,5. Từ đây, than ra cảng Km6 được vận tải bằng ô tô; than ra Nhà sàng Cửa Ông vận tải bằng tàu hỏa; sản lượng than qua tuynen được thiết kế là 900 nghìn/tấn/năm (có tài liệu ghi công suất thiết kế 700 nghìn tấn/năm).
Công trình được khởi công vào tháng 10/1993, do Công ty Xây lắp và Sản xuất than thi công (nay là Công ty than Dương Huy; đơn vị trực tiếp thi công là Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, nay là Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1). Trong quá trình thi công, gương lò gặp phay và nhiều khó khăn khác nên đến 30/10/1997 mới hoàn thành.
Một ngày cuối năm, tôi trở lại tuynen Tây Khe Sim. Đang là mùa chiến dịch. Hàng ngày, Công ty Dương Huy sản xuất từ 7- 8 nghìn tấn than nhưng cái tuynen này nhỏ quá, tàu chở đoàn goòng một tấn, không thể vận chuyển hết than nên buộc Công ty phải chở than bằng ô tô. Các anh lãnh đạo Công ty than Dương Huy cho biết, những năm gần đây, sản lượng của Dương Huy trên 2 triệu tấn, nhưng hệ thống tuynen chỉ đáp ứng được gần một nửa (khoảng 1 triệu tấn, vượt công suất thiết kế).
Trong khu vực này, ngoài Than Dương Huy, các đơn vị khác như Than Hạ Long, Than Quang Hanh cũng có nhu cầu vận tải than bằng đường sắt qua tuynen rất lớn. Nhưng các đơn vị này chỉ “ké” vào “đường hầm không lối thoát” vào ngày chủ nhật, ngày lễ; vào những tháng cuối năm, tuynen Tây Khe sim không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải cho Than Dương Huy, lấy đâu năng lực cho các đơn vị khác “ké”!.
Trước tình hình bế tắc khâu vận tải trong khu vực sản xuất ở Khe Tam, nhiều người nhắc tới những phản biện khi xây dựng tuynen này rồi thốt lên, tiếc quá, giá mà ngày ấy tuynnen này được thiết kế với quy mô lớn hơn thì bây giờ Than Dương Huy và các đơn vị trong khu vực đâu còn phải vận chuyển than bằng ô tô.
Có thể, ngày ấy, với quy mô công suất như hiện nay là phù hợp năng lực sản xuất; phù hợp với năng lực về vốn, về kỹ thuật công nghệ và một số yếu tố khác. Được biết, ban đầu, đường hầm này được thiết kế cho xe 3 tấn nhưng do đường hầm đi trong đới đứt gãy áp lực lớn, nước nhiều, tổ chức thi công, chăm sóc thợ lò yếu nên bộ phê duyệt điều chỉnh lại thiết kế. Nhưng hiện nay, rõ ràng, quy mô công suất của tuynen Tây Khe Sim không đáp ứng cho nhu cầu phát triển sản lượng than trong khu vực; rõ ràng, những phản biện về đầu tư xây dựng tuynen Tây Khe Sim ngày ấy thiếu tầm nhìn xa.
… Chuyện đã qua chúng tôi không muốn nhắc lại. Nhưng vừa qua, thông tin kết quả bước đầu Dự án tổ hợp alumin – nhôm Tân Rai rất tốt khiến tôi nhớ lại phản biện đề án tuynen Tây Khe Sim nêu trên và những phản biện dự án bô xít Tây Nguyên vừa qua.
Từ khi khởi động, Dự án Bô – xít nhôm Tây Nguyên đã vấp phải dư luận nhiều chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội v.v. Một dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp mới khiến nhân dân cả nước quan tâm và nẩy sinh nhiều ý kiến trái chiều là chuyện bình thường và cần thiết. Một số phản biện đã có tác động tích cực trong việc triển khai dự án. Tuy nhiên, không ít ý kiến phản biện đưa ra những thông tin, số liệu sai sự thật về Dự án. Các thông tin mà chúng tôi tổng hợp được cho rằng, Việt Nam cho người nước ngoài vào khai thác bô –xít, lấy vợ, sinh con, lập bản ở Tây Nguyên, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương; khai thác bô – xít sẽ phá rừng Tây Nguyên; sẽ để lại những hậu quả khủng khiếp về môi trường, đặc biệt là nguy cơ bùn đỏ; khai thác bô – xít chỉ chế biến ra alumin sẽ rủi ro về thị trường v.v.
Và giờ đây, kết quả bước đầu của Dự án Tân Rai khẳng định: Trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị tham gia quản lí chất lượng công trình (chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, các đơn vị thi công v.v.) khó tránh khỏi những sai sót nhưng TKV đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về khai thác tiềm năng bô xít Tây Nguyên.
Và thợ mỏ TKV trực tiếp khai thác và vận hành dây chuyền thiêt bị chế biến bô xít chứ không phải người nước ngoài (người nước ngoài trúng thầu xây dựng nhà máy; xây dựng xong họ sẽ về nước); thợ mỏ TKV đã kiểm soát được nguy cơ bùn đỏ; đã cơ bản làm chủ được công nghệ. Sản phẩm alumin đạt chất lượng cao; giá bán cao; thị trường được mở rộng. Tại Tây Nguyên, một doanh nghiệp của địa phương đang xây dựng nhà máy điện phân nhôm để tiêu thụ alumin v.v. Và như vậy, nhiều phản biện về dự án bô xít nêu trên là không có cơ sở.
Như đã nêu trên, một dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp mới khiến nhân dân cả nước quan tâm và nẩy sinh nhiều ý kiến trái chiều là chuyện bình thường và cần thiết. Chúng ta còn nhớ, trước dây, Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Đà; Dự án xây dựng đường dây 500 Kv Bắc – Nam cũng vấp phải dự luận nhiều chiều, thậm chí có ý kiến phản đối. Bây giờ, hiệu quả của 2 dự án trên như thế nào, nhân dân cả nước đã biết.
Với tổ hợp dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ, là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước và đã được 7 đồng chí trong Bộ Chính trị; Đoàn Giám sát của Quốc hội và nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến kiểm tra giám sát và khẳng định đây là chủ trương đúng. Vậy mà, nhiều người vẫn lớn tiếng phản biện với những thông tin thiếu chính xác về dự án.
Chẳng hạn, nhà văn Nguyên Ngọc, người đã nhiều năm “nằm vùng” ở Tây Nguyên để viết tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” cho rằng, khai thác bô xít sẽ phá rừng Tây Nguyên. Nhưng thực tế, đất quy hoạch trong vùng dự án làm gì có rừng để phá!Phản biện là cần thiết nhưng phản biện phải có đầy đủ thông tin chính xác và có những dự báo đúng với xu hướng phát triển. Nếu không sẽ khiến dư luận hiểu sai lệch về dự án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ dự án; gây những thiệt hại nặng nề khác cho chủ đầu tư và để lại những hậu quả nặng nề cho thế hệ sau mà “Đường hầm không lối thoát” chỉ là ví dụ.
Cao Thâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo