Bí ẩn ở châu Phi: Nhiều cây ngàn năm tuổi lặng lẽ chết
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Plants ngày 11-6 cho thấy có tới 8 trong số 13 cây bao báp cổ xưa nhất châu Phi đã chết trong thập kỷ vừa qua và các nhà khoa học đang đau đầu tìm hiểu lý do. Các tác giả của cuộc nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của cây bao báp.
"Cái chết của phần lớn các cây bao báp lớn nhất và lâu đời nhất châu Phi trong 12 năm qua là một sự kiện có tầm quan trọng chưa từng thấy. Những cái chết này không phải do dịch bệnh gây ra và có sự gia tăng nhanh chóng về hiện tượng chết tự nhiên ở nhiều cây bao báp trưởng thành khác" - các tác giả công trình nghiên cứu nhận định.
Trả lời phỏng vấn đài NPR, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, ông Adrian Patrut, nói: "Sự sụt giảm nhanh chóng này là điều rất bất ngờ bởi vì đây là những cây đã sống hơn 2.000 năm". Bằng cách sử dụng phương pháp định niên đại bằng carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 60 cây bao báp lớn nhất và có thể là lâu đời nhất ở châu Phi từ năm 2005 đến năm 2017.
Trung bình, 5 trong số 6 cây bao báp lớn nhất đều chết hoặc bị khô héo ở những phần già nhất trong vòng 12 năm qua. Những cây đã chết hoặc đang chết dần chết mòn được phát hiện ở Zimbabwe, Namibia, Nam Phi, Botswana và Zambia. Chúng đều có niên đại từ 1.000 đến hơn 2.500 năm.
Đài BBC dẫn lời ông Patrut cho biết tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra rất có thể là một nguyên nhân. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao và những trận hạn hán cũng là các mối đe dọa chính. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu thêm để củng cố hoặc bác bỏ giả thuyết này.
Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, những cái chết bí ẩn của cây bao báp sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường phía Nam châu Phi. Theo tạp chí Science, cây bao báp ngoài công dụng cho bóng mát, vỏ cây, rễ, hạt và trái cây của nó còn là nguồn thức ăn của nhiều loài động vật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo