Quốc tế

Bí ẩn về kho báu và những bảo vật trong lăng mộ của Võ Tắc Thiên

(DNVN) - Tương truyền rằng, số cổ vật được hạ táng cùng Võ Tắc Thiên năm xưa có giá trị bằng 1/3 nguồn tài chính thu và của cả Đường triều thời bấy giờ.

Nữ hoàng Võ Chu

Võ Tắc Thiên (17/2/624-16/2/705) thường được gọi là Võ hậu hoặc Thiên Hậu, bà là một phi tần của đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng Hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Cùng với tôn hiệu Thiên hậu của bà và tôn hiệu Thiên Hoàng của Cao Tông, hai người đã đồng trị vì nhà Đường trong một thời gian và từng được gọi là Nhị Thánh. Sau khi đường Cao Tông qua đời, bà qua các đời Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán với tư cách hoàng thái hậu. Cuối cùng trở thành hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu (690-705) trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tạo hình của Võ Tắc Thiên trong phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ.

Lăng mộ “ngàn năm vẫn vững” ẩn chứa kho báu khổng lồ

Càn Lăng là một công trình kiến trúc có niên đại từ thời nhà Đường, nằm tại huyện Càng, cách Tây An 80 km về phía Tây Bắc. Đây là lăng mộ được phát hiện đã lâu nhưng vẫn chưa được giới khảo cổ khám phá.

Công trình này sở hữu rất nhiều điểm đặc thù trong đó tiêu biểu phải kể tới là: Thứ nhất, đây là ngôi mộ duy nhất tại Trung Quốc hợp táng hai vị Đế Vương. Càn Lăng không chỉ là nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên, mà đồng thời cũng là nơi chôn cất Đường Cao Tông Lý Trị. Thứ 2, Càn Lăng là lăng mộ hoàng gia thời nhà Đường duy nhất chưa từng bị xâm phạm cũng chưa được khai quật. Thứ ba, bên ngoài khu lăng mộ này có một tấm “vô tự bia”. Cho tới ngày nay, tấm bia không chữ này vẫn là một trong những bí ẩn lịch sử đang chờ người đời giải mã.

Theo tài liệu ghi lại, khi Đường Cao Tông qua đời, số đồ vật được hạ táng cùng ông có giá trị bằng 1/3 tài chính thu vào của quốc gia. Lượng báu vật được mai táng vào Càn Lăng khi Võ Tắc Thiên qua đời cũng tương đương con số ấy. Điều này đủ để thấy kho báu bên trong lăng mộ của hai vị hoàng đế này đồ sộ tới nhường nào. Nếu đúng như những gì lịch sử ghi chép lại thì số lượng cổ vật quý được cất giấu tại Càn Lăng lên tới hơn 500 tấn là điều hoàn toàn có thể.

Một trong những bí mật khiến hậu thế càng thêm tò mò về khối đồ vật được chôn cất bên trong Càn Lăng chính là giá trị của số kho báu ấy. Phải biết rằng, mọi đồ vật được an táng tại nơi an nghỉ của hai vị hoàng đế đều là những cổ vật được hoàng gia ngự dụng. Giá trị của chúng không đơn thuần chỉ dựa vào chất liệu để đánh giá, bên cạnh vàng bạc, châu báu, các tác phẩm nghệ thuật đắt giá an táng cùng Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên cũng được giới chuyên gia vô cùng chú ý.

 

Tương truyền, Cao Tông Lý Trị khi còn sống đã từng có được bản gốc của tác phẩm thư pháp “Lan Đình Tự” của Thư thánh Vương Hy Chi. Sau này, bức thư pháp nổi tiếng ấy cũng được hạ táng trong lăng mộ của nhà vua. Ngoài ra, nếu Càn Lăng được khai quật, hậu thế rất có thể sẽ tìm được những tập thơ có bút tích của Võ Tắc Thiên, trong đó tiêu biểu là trăm cuốn “Thùy Củng tập” và 10 cuốn “Kim Luân Tập”.

Lăng mộ “bất khả xâm phạm”

Với kho báu đồ sộ và giá trị khổng lồ, Càn Lăng từng trở thành mục tiêu săn lùng của không ít người trong suốt chiều dài lịch sử. Trải qua từng ấy thời gian, Càn Lăng từng 17 lần bị mộ tặc ghé thăm. Tuy nhiên, dù bị đao binh âm hại, bom mìn của mộ tặc, nhưng nơi đây vẫn không hề bị ảnh hưởng. Đặc biệt, cuối thời nhà Đường, Hoàng Sào lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân đã huy động từ 40 vạn dân binh đào bới liên tục Càn Lăng với hi vọng lấy được của cải. Nhưng ngay cả khi đã đào tới hố sâu 40m vào lòng núi, nhóm người này vẫn phải trắng tay ra về.

Tương truyền, khu mộ song táng hai vị hoàng đế này ẩn chứa một lời nguyền chết chóc nếu ai động đến. Sử cũ kể lại, dưới thời Quốc Dân Đảng, Tôn Liên Trọng tổng huy động một binh đoàn với các vũ khí tối tân nhằm oanh tạc Càn Lăng. Tuy nhiên, sau một thời gian đến đây, máy móc liên tiếp hư hỏng. Ngày nào cũng chứng kiến người chết, vì quá sợ hãi mà mưu đồ ban đầu của viên tướng họ Tôn đành phải bỏ dở.

Trước đó, vào thời Ngũ Đại, thứ sử Diệu Châu là Ôn Đạo - một mộ tặc khét tiếng với chiến công đào xới được cả chục lăng mộ Đường triều, thu về một khối lượng châu báu lớn, nên Ôn Đạo có ý định xâm hại Càn Lăng nhằm lấy 500 tấn châu báu như lời đồn đại. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn khi làm việc tại đây hắn đã phải chịu cảnh khó khăn, thời tiết thường xuyên mưa bão, nhân công vì bệnh tật, tai nạn mà chết liên miên. Thấy vậy, vì quá sợ hãi mà Ôn Đạo đành phải dừng ngay hành động xâm phạm khu lăng mộ của nữ hoàng hậu họ Võ. Có lẽ vì thế mà nơi đây là khu lăng mộ lớn nhất và nguyên vẹn nhất còn tồn tại đến ngày nay. Song, nó vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những lời đồn thổi đã có trong lịch sử.

 

Điều đặc biệt nữa được ghi nhận tại Càn Lăng chính là hình ảnh những nhân tượng bằng đá được đặt tại sân chính của lăng. Đến ngày nay, lăng vẫn còn lưu giữ được 103 tượng đá, trong đó có 61 tượng đại diện cho các dân tộc Trung Hoa. Điều đáng chú ý là 61 bức tượng này đều chịu những nhát chém bí ẩn. Cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân tại sao.

Những nhân tượng bằng đá được đặt tại sân chính của lăng Càn Long. 

Dù đã hơn nghìn năm, trải qua nhiều cuộc nghiên cứu, tìm hiểu, song cuộc đời vị nữ vương Trung Quốc vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Đặc biệt, khu lăng mộ song táng Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông Lý Trị cũng là một ẩn số lớn, gây tranh cãi trong giới sử học ở đất nước hơn tỷ dân này. Nhờ sự hùng vĩ, rộng lớn và những nét đẹp trong nghệ thuật điêu khắc mà người đời sau tôn Càn Lăng là kỳ quan thứ 9 của thế giới. Tuy nhiên, kỳ quan “thi gan cùng tuế nguyệt” tới cả ngàn năm ấy vẫn là một trong những lăng mộ bí ẩn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Nên đọc
Lan Phương (tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo