Bí ẩn VPBank giải ngân “chóng vánh” 1.266 tỷ đồng?
Thay vì dùng tiền đầu tư dự án, cả nghìn tỷ đồng vay từ ngân hàng VPBank và huy động từ khách hàng đã được HBI sử dụng vào mục đích khác, như: gửi tiết kiệm, cho các cổ đông vay lãi…
Từ “bán chui” đến chiêu “mượn vốn”
Trước đó tháng 7/2015, HBI trình làng dự án Imperia Garden (toạ lạc tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) với quy mô hơn 4,2ha, gồm 3 toà chung cư cao từ 27-35 tầng. Tổng mức vốn đầu tư dự án được tiết lộ sau này là hơn 1.620 tỷ đồng.
Thời điểm đó, HBI liên tục dính nhiều tai tiếng xấu như: bán “chui” căn hộ khi dự án chưa xong móng, ký hợp đồng bán nhà khi chưa có bảo lãnh tiến độ ngân hàng, chây ỳ nợ thuế đất hàng trăm tỷ đồng… Những thông tin này khiến cho nhiều người mua nhà tại dự án hoang mang, lo sợ rủi ro không được cấp sổ đỏ nếu chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ thuế.
Để “chữa cháy tình thế”, HBI tuyên bố trên báo chí rằng “đã có ngân hàng VPBank bảo lãnh cho dự án”, song thực tế, đến tận ngày 12/8/2015, chưa có ngân hàng nào được phép ký bảo lãnh tiến độ cho dự án bất động sản nào. Những điều này càng làm dấy lên nghi ngờ về sự tù mù thông tin, cũng như hoạt động đầu tư, huy động tài chính của HBI.
Theo tìm hiểu, được biết, HBI ra đời năm 2010 với số vốn khiêm tốn chỉ 110 tỷ đồng, sau đó tăng dần vốn lên 510 tỷ đồng (tháng 12/2014). Mặc dù HBI là chủ đầu tư dự án vốn “khủng” nghìn tỷ song những thông tin về năng lực tài chính, vốn… lại là điều bí ẩn.
Tuy nhiên, HBI đã thuyết phục được ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cấp cho hạn mức tín dụng lên tới 1.732 tỷ đồng từ giữa năm 2014, lúc đó dự án Imperia Garden vẫn còn “vẽ trên giấy”, chưa khởi công.
Cụ thể, ngày 29/7/2014, VPbank đã ký hợp đồng tín dụng cấp cho HBI hạn mức vay lên tới 1.732 tỷ đồng, thời hạn vay 36 tháng (ân hạn 23 tháng), lãi suất 8,95%/năm. Mục đích sử dụng vốn vay là “triển khai dự án Imperia Garden” và tài sản thế chấp là “toàn bộ dự án đã hình thành và hình thành trong tương lai”.
Cần nhắc thêm, tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng này, chủ đầu tư HBI mới có được những giấy tờ pháp lý gồm: Giấy chứng nhận đầu tư số 011210011688 của UBND TP.Hà Nội cấp ngày 18/3/2014, Quyết định số 3123/QĐ-UBND ngày 11/6/2014 về việc thu hồi 42.264m2 tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng giao cho HBI làm chủ đầu tư dự án.
Đến cuối tháng 12/2014, HBI mới được cấp Giấy phép xây dựng số 61/GP-SXD để thi công dự án này…
Tài sản nghìn tỷ của HBI là gì?
Điều khó hiểu là với hồ sơ vay vốn như vậy, VPBank đã thẩm định, đánh giá năng lực tài chính của HBI và tính khả thi của dự án như thế nào để phê duyệt cho vay vốn? Hạn mức tín dụng cấp cho HBI lên tới 1.732 tỷ đồng, tương ứng 20,95% vốn tự có của VPbank (tại thời điểm 30/6/2014) liệu có được HĐQT xem xét, chấp thuận hay chưa?
Theo quy định hiện hành, ngân hàng được duyệt cho vay đối với dự án bình thường với hạn mức vay tối đa 70% giá trị tài sản bảo đảm, thế chấp bằng các loại tài sản: dự án bất động sản (tài sản hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, dòng tiền, cổ phiếu, tài sản khác…
Ở trường hợp HBI, công ty đã được VPbank “ưu ái” cấp hạn mức tới 1.732 tỷ đồng, có thể hiểu tại thời điểm tháng 7/2014, khối tài sản “hình thành trong tương lai” của dự án Imperia Garden được định giá lên tới 2.474 tỷ đồng. Cơ sở nào để ngân hàng định giá tài sản, tài sản thế chấp gồm những gì cũng chưa được hé lộ.
Song theo thông tin do HBI công bố, đầu năm 2015, tổng tài sản của công ty này chỉ đạt 815,59 tỷ đồng, vẫn chỉ bằng 47% hạn mức tín dụng được VPBank cấp trước đó. Trong số này, những tài sản có giá trị đáng kể nhất gồm: 567 tỷ đồng tiền “phải thu từ khách hàng, trả trước người bán, tiền cho vay ngắn hạn”; 128,6 tỷ đồng hàng tồn kho, 91 tỷ đồng “tiền phải thu cho vay dài hạn”; 16 tỷ đồng tài sản cố định…
HBI chịu thiệt hại “buôn vốn”?
Không chỉ duyệt hạn mức cho vay “hào phóng”, VPBank cũng rất nhanh chóng giải ngân tiền cho HBI, cụ thể: đến cuối năm 2014 đã giải ngân 252,8 tỷ đồng dù dự án Imperia Garden vẫn đang quây tôn, chưa khởi công xây dựng. Đến cuối năm 2015, tổng số tiền VPbank đã giải ngân lên tới 1.266 tỷ đồng.
Thế nhưng, thay vì đầu tư xây dựng dự án Imperia Garden, HBI đã tranh thủ đem tiền cho vay lấy lãi suất, gửi tiết kiệm tại chính VPBank… Đơn cử, cho vay 10 cá nhân và tổ chức vay ngắn hạn trong 12 tháng tổng số 432 tỷ đồng. Đơn cử: bà Trần Thuý Hà vay 56 tỷ đồng, ông Đỗ Công Diện vay 35 tỷ đồng, bà Trịnh Thị Hoa – trưởng ban kiểm soát HBI vay 38 tỷ đồng, ông Đỗ Việt Hùng vay 80 tỷ đồng, ông Trần Hồng Tuy- Phó TGĐ Dệt 19/5 vay 45 tỷ đồng…
Hai công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình- cổ đông sáng lập HBI và công ty TNHH sản xuất và xây dựng Ba Đình 6 vay lần lượt 2 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập – công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội còn vay dài hạn 91 tỷ đồng…
Do các “con nợ” cũng không xa lạ nên HBI tính lãi suất “siêu rẻ” chỉ 3%/năm, tức chỉ bằng 1/3 lãi suất vay mà HBI phải trả cho VPBank. Nói cách khác, trong các giao dịch cho vay vốn này, HBI đang chịu thiệt hại đáng kể với chênh lệch lãi suất gần 6%/năm, nếu chỉ tính số tiền vay 432 tỷ đồng thì công ty này bỗng dưng phải “gánh” hộ lãi vay gần 26 tỷ đồng cho các “con nợ”.
Thực tế, HBI cho biết đã phải trả tổng cộng 37 tỷ đồng tiền lãi vay trong năm 2014-2015. Điều này cũng có ảnh hưởng đáng kể tới số lỗ 586 triệu đồng của năm 2014 và năm 2015, cũng chỉ lãi vỏn vẹn… 10 tỷ đồng.
Do vốn dư thừa nên HBI cũng đem tới 1.563,8 tỷ đồng gửi vào ngân hàng, trong đó gửi khoảng 1.319 tỷ đồng vào VPBank – nhiều hơn số tiền chính VPBank giải ngân cho HBI vay.
Vậy điều gì đang thực sự diễn ra trong vòng quay vốn giữa bộ ba HBI – VPBank – các cổ đông, cán bộ của HBI? Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc kỳ tiếp theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo