Bị cáo Phạm Công Danh bật khóc, đòi có người hỗ trợ tại tòa
Báo VietnamNet đưa tin, ngày 29/7, tiếp tục xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh.
Bị cáo Danh nói do trí nhớ kém nên chỉ thừa nhận 2 tội danh bản cáo trạng truy tố nhưng một số tình tiết bị cáo không nhớ rõ, mong tòa xem xét lại bối cảnh, hoàn cảnh thực hiện hành vi đó.
Ngay phần thẩm vấn bị cáo Danh, phiên tòa đã "nóng" xung quanh việc tòa làm rõ lí lịch của bị cáo Danh. Trả lời câu của HĐXX về trình độ học vấn, Phạm Công Danh khai mình học hết 12, có trình độ cử nhân Quản trị kinh doanh.
Tòa hỏi bị cáo học trường nào? Ở đâu? Học ai? Bị cáo không trả lời và nói rằng tất cả đã có trong hồ sơ. "Đây là phiên tòa xét xử công khai nên đề nghi bị cáo trả lời", HĐXX nhắc lại.
Lúc này, bị cáo Danh nói bị cáo vừa học vừa làm, tùy thuộc vào lịch làm việc của bị cáo nên không nhớ; sau đó Danh lại khai "học tại chỗ". Tòa hỏi "học tại chỗ" thì cũng phải có tên trường chứ?
Nghe vậy, bị cáo Danh bật khóc: "xin cho tôi trình bày, tôi ra tòa phải đứng thế này. Tôi mong HĐXX xem xét lại, trí nhớ của tôi rất kém". Chủ tọa đáp bị cáo có thể ngồi để trả lời và công bố hồ sơ vụ án.
Tòa cho biết trong lý lịch đóng dấu treo của Tập đoàn Thiên Thanh để gửi ra Ngân hàng Nhà nước khi muốn tham gia tái cơ cấu Trustbank, ngoài bằng thạc sĩ, bị cáo khai trình độ cử nhân Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế TP.HCM, niên khóa 1987-1991.
"Trong lý lịch bị can xác định từ năm 1987-1991 bị cáo Danh làm nghề sản xuất vật liệu xây dựng ở địa phương - tỉnh Quảng Ngãi. Trước tòa, tòa hỏi bị cáo không trả lời. Bị cáo trả lời sao khi Đại học Kinh tế trả lời không có bất cứ học sinh nào tên Phạm Công Danh học ở đây, bằng nộp cho NHNN là bằng giả?", HĐXX đặt câu hỏi, ông Danh im lặng.
HĐXX cũng lưu ý Viện kiểm sát ghi kỹ nội dung này. Tòa đề nghị VKS xem xét, xử lý bị cáo Danh hành vi dùng bằng giả nếu có căn cứ.
Theo báo Tiền Phong, trong phần xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh, chủ tọa dành nhiều thời gian về nội dung Danh tham gia vào Ngân hàng Đại Tín (VNCB sau này).
rả lời HĐXX, bị cáo Phạm Công Danh nói rằng lý do mà ông tham gia vào tái cơ cấu Đại Tín là vì mong muốn có được một ngân hàng của lĩnh vực xây dựng như một số nước đã có và hoạt động rất tốt.
Ông Danh khai, ban đầu danh sách cổ đông tham gia Đại Tín trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phải là danh sách mà cáo trạng nêu.
Nghe bị cáo nói vậy, chủ tọa hỏi vì sao lại có chuyện đó? Ông Danh trả lời rằng danh sách cổ đông tham gia tái cơ cấu như cáo trạng gồm 1 tổ chức, 20 cá nhân, đây là những người thân quen với ông.
Danh sách cổ đông trình NHNN là không đúng, vì những người định tham gia ban đầu, sau khi biết nội tình Đại Tín nợ nần, đặt trong tình trạng giám sát của NHNN… nên họ rút ra hết.
Vậy tại sao bị cáo lại tham gia mà không rút? – Chủ tọa hỏi.
Trả lời câu hỏi này, bị cáo Danh nói rằng mình cũng đã mang giấy tờ ra trả lại không tham gia tái cơ cấu nữa. “Tôi chấp nhận mất tiền mà rút lui” – bị cáo nói.
Tuy nhiên, cũng theo lời bị cáo Danh – Ông Anh (lúc đó là Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước) động viên nhiều lần, nhiều ngày, nói không cho ra ngân hàng mới mà phải cố gắng tham gia tái cơ cấu Đại Tín để mạnh hơn.
Khi ông Danh nói đến đây, chủ tọa ‘vặn’ hỏi: Ông Anh có ép buộc bị cáo phải nhận Đại Tín không? Bị cáo Danh trả lời “Không” và nói rằng “Được động viên là chính”.
Trước câu hỏi ông Danh có biết thời điểm bị cáo chuẩn bị tham gia Đại Tín thì ngân hàng này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, đang âm 2 nghìn 800 tỷ đồng, lỗ 6.000 tỷ đồng không? bị cáo Danh nói có biết. Chủ tọa tiếp tục ‘bồi’ – “Có biết sao vẫn tham gia?”
Như được ‘trút bầu tâm sự’, bị cáo Phạm Công Danh ‘kể’ ra hàng loạt nguyên do. Đáng lưu ý là bị cáo Danh muốn có một ngân hàng xây dựng lớn mạnh. Tuy nhiên Chủ tọa vẫn chưa cảm thấy bị cáo trả lời đúng ý câu hỏi nên hỏi tiếp “Căn cứ vào đâu đưa ra quyết định tham gia Đại Tín?”.
Bị cáo Phạm Công Danh trả lời rằng tin vào tiềm lực tài chính của Thiên Thanh và có tham khảo thì được biết Đại Tín có 2 bất động sản lớn ở Quận 2 và Nhà Bè, theo khảo sát giá vào thời điểm đó nhiều tỷ đồng, bị cáo hy vọng bất động sản sẽ "ấm lên".
“Nguồn tiền tui đang quản lý một số bất động sản, Thiên Thanh hoạt động rất tốt, số dư tại các ngân hàng, trong đó ngân hàng Đầu tư cả nghìn tỷ đồng. Những ai làm việc tại Thiên Thanh cũng biết Thiên Thanh hoạt động rất tốt, tiềm lực tài chính rất mạnh” – ông Danh nêu lý do mà bị cáo đưa ra quyết định “ôm Đại Tín đang bệnh hoạn”.
Dù hùng hồn giải thích với Tòa như vậy, nhưng ‘chốt’ lại câu trả lời thì bị cáo Phạm Công Danh giọng trùng xuống khi nói “Tôi đã đấu tranh không thắng bản thân để rồi quyết nhận Đại Tín”.
Và, đáng lưu ý là bị cáo Danh nói “Tôi bị Hà Văn Thắm lừa”...
End of content
Không có tin nào tiếp theo