Pháp luật

Bị câu kéo làm đại lý bảo hiểm, khách hàng lãnh đủ

Những người trung thực trong nghề thậm chí mô tả đây là một “quả bom nổ chậm” gây không ít tác động tiêu cực làm tổn hại tới thị trường, còn đối với khách hàng, vấn nạn doanh nghiệp “câu kéo” đại lý, cạnh tranh không lành mạnh có thể bóp méo ý nghĩa bảo vệ an toàn tài chính của bảo hiểm.

Cuộc chiến “câu”  đại lý

 

D. lại vừa nhận thêm một cuộc điện thoại “mời cà phê” của H. “Từ ra Tết đến nay “bị” H. mời cà phê liên tục” - D. vừa nói vừa cười. D. có thâm niên 12 năm làm đại lý cho một hãng bảo hiểm nhân thọ nước ngoài. Trong nghề, có thể nói D. xếp hạng “gạo cội”.

 

Từng trải, lịch sự, khéo ăn nói, là trưởng nhóm kinh doanh, chăm sóc hàng trăm khách hàng, D trở thành đích nhắm cho đủ lời chèo kéo từ các công ty bạn. “H. trước vốn cùng đội của mình, vừa qua công ty khác, muốn lôi mình qua cùng. Mà không chỉ H, nhiều nơi họ mời lắm - D. giải thích và cho biết  -cuộc chiến câu kéo đại lý đang hết sức sôi động, nhiều người “nhảy” việc liên tục”.

 

Cùng với D., chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ ở cả Hà Nội và khu vực phía nam. Được biết, thời gian và chi phí để huấn luyện, đào tạo một đại lý bảo hiểm lành nghề là không nhỏ, cho nên thay vào đó, không ít doanh nghiệp thường “câu” người của đối thủ.

 

Một mũi tên trúng hai đích, vừa gia tăng nguồn lực cho bản thân, vừa làm suy yếu đối thủ. Vì suy cho cùng, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ chính là cạnh tranh về mạng lưới và chất lượng đại lý.

 

“Mồi câu” chủ yếu là quyền lợi kinh tế. Chẳng hạn, nếu D. nhận lời mời của H, công ty sẽ sẵn sàng trả cho anh một khoản “lương cứng” hơn 10 triệu/tháng, tiền “hoa hồng” dù bị khống chế bởi ba-rem của Bộ Tài chính cũng được hứa sẽ có cách “lách” cho cao hơn. Và dĩ nhiên, thay vì chức danh Trưởng nhóm, cạc-vi-dít mới sẽ điền những cụm từ sang trọng hơn.

 

Trong các cuộc tiếp xúc riêng với báo chí, đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đầu thị trường luôn than về tình trạng bị “câu” mất người. Trừ những công ty đã đứng vững được trên thị trường, trong cuộc chiến “nảy lửa” giành giật thị trường - có thể nói bảo hiểm cũng như bóng đá - khó ai có thể bình tĩnh đào tạo “tuyển trẻ”.

 

Cạnh tranh thu hút nhân lực là chuyện thường trong kinh doanh, nhưng cạnh tranh kiểu “phá giá”, không lành mạnh như những gì đang xảy ra thì rất đáng báo động.

 

 

Khách hàng lãnh đủ

Lợi dụng sự chèo kéo của các công ty, cũng hình thành nên trên thị trường một “giới” đại lý cơ hội với câu cửa miệng: “đi hớt váng”. Có nghĩa, họ chủ trương “nhảy việc” liên tục để tận dụng chính sách ưu đãi trong thời gian đầu làm việc tại công ty mới.

 

Vì họ biết rằng, những quyền lợi nhận  “bất ngờ” thì cũng chóng qua. Chẳng hạn với khoản “lương cứng”, thông thường doanh nghiệp chỉ thỏa thuận với đại lý mới trong 6 tháng, cùng lắm là 1 năm, sau tính tiếp. Tương tự, “hoa hồng ưu đãi” cũng không có gì chắc chắn có thể kéo dài.

 

Trong khi, sang các môi trường làm việc mới, thương hiệu công ty còn khiêm tốn, doanh số khai thác hợp đồng mới dĩ nhiên cũng sẽ khó khăn hơn.

 

Nếu vấn đề chỉ gói gọn lại trong đội ngũ đại lý bảo hiểm nhân thọ thì thật ra đó cũng chỉ là câu chuyện nội bộ của các công ty bảo hiểm mà thôi. Tuy nhiên, khi số khách hàng bảo hiểm đã lên tới con số hàng triệu như hiện nay, rõ ràng “cuộc chiến đại lý” đang có tầm ảnh hưởng rộng và sâu sắc hơn nhiều.

 

Có thể nói rằng, hiện tượng đã và đang xảy ra có thể bóp méo ý nghĩa bảo vệ an toàn tài chính của bảo hiểm. Trên thị trường đã xảy ra rất nhiều trường hợp khách hàng bị bỏ rơi, khách hàng bị dụ dỗ, thậm chí bị lừa bịp bởi các đại lý làm ăn chụp giựt, bất lương. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, nhiều đại lý bảo hiểm xác nhận không ít khách hàng “mua bảo hiểm mà không hiểu gì về bảo hiểm”, thậm chí chẳng chịu đọc hợp đồng.

 

Tâm lý này đã bị các đại lý “hớt váng” khai thác triệt để nhằm tăng doanh số. Họ chỉ khoe khoang với khách những quyền lợi bóng bẩy của sản phẩm, trong khi che đậy các điều khoản ràng buộc ngặt nghèo. Cách đây không lâu, từng đã có khách hàng gửi đơn tới nhiều cơ quan báo chí phàn nàn về việc trót nghe lời một đại lý vừa “nhảy việc”  hủy hợp đồng tại doanh nghiệp bảo hiểm cũ để chuyển qua mua sản phẩm của công ty mới, rốt cuộc “tiền mất, tật mang”.

 

Chúng tôi sẽ trở lại hệ lụy của việc hủy hợp đồng bảo hiểm trong số báo sau, hệ quả nhãn tiền mà khách hàng và cả thị trường phải đón nhận khi đại lý “dứt áo đi hớt váng” đó là khả năng bị bỏ rơi, cảm giác mất niềm tin vào chính điều được gọi là bảo hiểm.…

 

Hà Hương

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo