Bi kịch cuộc đời "ông Chấn" phiên bản Trung Quốc
Nhận khoản tiền bồi thường hơn 2 tỷ đồng
Năm 1999, ông Triệu Tác Hải bị cảnh sát bắt vì bị tình nghi giết người hàng xóm là Triệu Chấn Thường. Theo Tân Hoa Xã, năm đó, khi một xác không đầu được tìm thấy trong một cái giếng làng, người thân của Triệu Chấn Thường tin rằng đó chính là ông ta. Nhưng trên thực tế, lúc đó ông Thường đã bỏ đi được 1 năm.
Sau một thời gian điều tra, cảnh sát hoàn tất hồ sơ, chuyển sang cơ quan công tố đề nghị truy tố ông Triệu Tác Hải tội giết người với lý do bị cáo đã nhận tội. Tòa án thành phố Thương Khâu đã đưa ra phán quyết, khẳng định án mạng xảy ra sau khi “nạn nhân” bắt được ông Triệu Tác Hải đang “ân ái” với một phụ nữ địa phương. Một trận ẩu đả diễn ra vì ông Thường cũng đã từng có “quan hệ” với cô gái kia.
Ngày 13/5/2010, sau khi được trả tự do, ông Triệu Tác Hải cho biết, sở dĩ ông nhận tội vì trong quá trình vụ án được điều tra ông bị cảnh sát tra tấn, đánh đập đến nỗi ông không được ngủ trong suốt một tháng ròng rã.
Sau đó, vụ án chỉ được làm sáng tỏ khi ông Triệu Chấn Thường đột nhiên từ “cõi chết” trở về. Điều đáng tiếc là trong thời gian bị tù oan, gia đình ông Hải tan vỡ, vợ ông bỏ đi lấy chồng khác, còn 4 người con phải sống trong khổ cực thiếu tình yêu thương của cha mẹ.
Tờ China News cho biết, ông Triệu Tác Hải sau đó đã được nhà chức trách bồi thường 650.000 NDT, tương đương 2,2 tỷ đồng cho 11 năm ngồi tù oan. Thế nhưng chưa đầy 5 năm sau, cuộc đời ông một lần nữa rơi vào thảm cảnh khi đầu tư số tiền đó vào kinh doanh nhưng không hiệu quả. Năm nay đã 63 tuổi, ông cho biết sẽ trở về quê làm ruộng hoặc phải ra đường ăn xin.
Tiền cứ thế “đội nón” ra đi
Theo lời ông Triệu, sau khi được trả tự do và được bồi thường khoản tiền lớn, ông gặp người phụ nữ họ Lý. Sau đó, 2 người đi tới hôn nhân. Năm 2011, vợ chồng ông quyết định đầu tư vào một mạng lưới bán hàng đa cấp. Nhưng chỉ ít tháng sau mạng lưới bán hàng đa cấp sụp đổ khiến ông Triệu mất 175.000 NDT.
Đến tháng 4/2012, hai vợ chồng ông Triệu lại mở một khách sạn, nhưng phải đóng cửa chỉ sau 8 tháng hoạt động vì thiếu kỹ năng quản lý. Vụ đầu tư này tiêu tốn của ông Triệu thêm 40.000 NDT.
Năm 2013, còn 300.000 NDT tiền bồi thường, ông Triệu đánh liều đặt cược tất cả vào một công ty quản lý đầu tư với hy vọng sẽ thu về lãi suất cao và vợ ông cũng dốc hết số tiền tiết kiệm 100.000 NDT vào công ty này.
Thời gian đầu, hai vợ chồng nhận được tiền lãi rất đều đặn, nhưng sau đó tình hình đầu tư ngày càng xấu đi, đẩy họ phải đối mặt với nguy cơ bị mất tất cả. Và đến tháng 11 năm ngoái thì hầu hết các lãnh đạo của công ty này đã bỏ trốn hoặc bị bắt vì tội lừa đảo. Trở về nhà khi đã tiêu hết những đồng tiền được bồi thường, ông rơi vào cảnh nợ nần để sống trong nhiều tháng nay.
Tồi tệ hơn, vợ ông cũng đang đe dọa sẽ ly hôn. Bà Lý kể rằng, sở dĩ bà đồng ý kết hôn với ông Triệu vì muốn trả ơn ông đã giúp đỡ bà xưa kia và bà đã tận tình chăm sóc ông trong suốt 5 năm qua, bỏ qua những lời thị phi của người đời. Bà đã rất cố gắng duy trì hạnh phúc trong cuộc hôn nhân để “trả nghĩa” này. Nhưng giờ đây, khi gia đình làm ăn thất bại, ông Triệu rơi vào thảm cảnh đói nghèo, bà không thể tiếp tục vượt qua được những lời đàm tiếu.
Nghe những lời tâm sự của vợ, ông Triệu lặng thinh một lúc rồi nói: “Vợ tôi không thể chịu được miệng lưỡi thiên hạ và muốn rời bỏ tôi. Tôi buồn nhưng cũng không biết phải làm gì nữa”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo