Quốc tế

Bi kịch ở Paris

Giữa buổi họp nội dung của tờ Charlie Hebdo vào hôm qua (7/1), ba tay súng bịt mặt lao vào tòa soạn. Chúng hô vang khẩu hiệu Hồi giáo "Allahu Akbar" và xả súng vào những nhà báo không được phòng vệ.

 12 người vô tội thiệt mạng. Cả châu Âu bàng hoàng.

Charlie Hebdo từng gây tranh cãi vì vẽ biếm họa nhà tiên tri Muhammad, khiến trụ sở của họ bị đánh bom và các nhà báo bị dọa giết hồi năm 2011. Họ cho đó là quyền tự do ngôn luận, phê phán những gì mình thích. Những kẻ cuồng tín thì không nghĩ vậy - chúng coi đó là sự xúc phạm niềm tin.

Nhiều người phương Tây không đồng tình với cách làm của Charlie Hebdo. Bộ trưởng ngoại giao Pháp cũng từng chỉ trích tờ báo này “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhưng Tổng biên tập Gérard Biard bác bỏ và tuyên bố tờ báo luôn tuân thủ luật lệ tự do của nước Pháp, chứ không phải luật ở Kabul hay Riyadh (hai thủ đô của các nước Hồi giáo lớn).

Nhưng sự kiện vừa qua, và cả vụ bạo loạn sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad vào năm 2005, cho thấy ranh giới, luật pháp của từng quốc gia không còn nhiều ý nghĩa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Một hành động, dù nhỏ, cũng sẽ có khả năng tạo ra tác động lớn trên khắp mọi nơi nhờ Internet. Với một thế giới được kết nối, rất khó để quẫy một cánh bướm mà không làm rung chuyển cả hệ thống mạng nhện.

Do đó, trong thời đại này, hơn bao giờ hết người ta cần có lòng khoan dung và tôn trọng những giá trị của nhau. Nhưng thay vì xích lại gần nhau, các khối giá trị lại va chạm với nhau theo tần suất ngày càng khốc liệt. Dường như chúng ta đang bước dần vào tâm điểm của cuộc “xung đột giữa các nền văn minh” mà tác giả Samuel Huntington từng đề cập.

 Đáng sợ hơn, mặt trái khủng khiếp của toàn cầu hóa là khả năng gom lại những kẻ cực đoan có cùng lý tưởng. Sự kết hợp giữa vũ khí hiện đại và lối tư duy độc đoán là mối đe dọa với sự tiến bộ của loài người, khi chúng muốn gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm đạt được mục đích.

Tôi không thích những bức biếm họa của Charlie Hebdo, hay của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten. Tôi cho rằng các bức tranh đó có thể xúc phạm tín ngưỡng của những người Hồi giáo, làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa họ và phương Tây. Thế nhưng tôi ủng hộ quyền tự do thể hiện quan điểm, thứ quyền “bất khả xâm phạm” mà người châu Âu đã mất bao nhiêu máu và nước mắt để xây dựng. Một xã hội mà ngay cả ý kiến cũng không được phép nói ra thì khó có thể phát triển.

Thêm vào đó, dùng bạo lực để giải quyết một vấn đề hòa bình là điều không thể dung thứ. Khác biệt trong tư tưởng, suy nghĩ, và cả hệ giá trị là điều hết sức bình thường, đặc biệt là trong thời đại này. Nhưng điều đó cần được xử lý bởi lương tâm, tranh luận, và pháp luật, chứ không phải bằng bom đạn, súng dao.

Liệu tôn giáo có lỗi gì không?

Tôi cho rằng, nguyên do cốt lõi sau vụ sát hại các nhà báo ở Pháp không nằm ở đạo Hồi. Bất kỳ tôn giáo nào cũng hướng đến cái thiện, và Hồi giáo không phải là ngoại lệ. Thực tế nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới là Indonesia có một xã hội khá ổn định và yên bình. Không có tôn giáo nào xấu, chỉ có những kẻ nhân danh tôn giáo để làm điều xấu.

Bởi vậy, bi kịch ở Paris xảy ra chính là lúc con người, bất kể tôn giáo hay màu da càng phải xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Như dòng chữ trên trang bìa của tờ Charlie Hebdo từng ghi: “Tình yêu mạnh hơn thù hận”.

Vnexpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo