Bí quyết khởi nghiệp thành công: đừng chờ đợi, hãy vượt qua
Đó là những chia sẻ của giáo sư Shlomo Maital - học giả nổi tiếng thế giới về quản trị sự sáng tạo, hiện ông là Giám đốc Học thuật của Học viện Quản lý Technion tại hội thảo “Nền kinh tế trên cơ sở sáng tạo và khởi nghiệp – Bài học từ Israel” diễn ra ngày 11/11 với sự bảo trợ của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Thất bại là trường học của thành công
Ông Shlomo Maital cho rằng: con người Việt Nam rất nhã nhặn, ôn hòa. Tuy nhiên, để có thế lập nghiệp và khởi nghiệp thành công, cần phải có sự vượt rào. Hãy vượt qua những rào cản, khó khăn để tự tạo ra những cơ hội mới cho mình.
Khởi nghiệp là một quá trình vô cùng nhiều rủi ro, mạo hiểm. Hầu hết các công ty khi khởi nghiệp đều trải qua những thất bại. Mỗi thất bại đó chính là một trường học cho bạn. Nếu vượt qua được thất bại và tiếp tục, bạn sẽ thành công. Thế hệ trẻ Việt Nam hãy mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp hơn nữa để tạo ra những sản phẩm khác biệt, có tính ứng dụng cao và làm thương hiệu cho đất nước mình.
Khi ta ném một hòn sỏi xuống nước, sóng sẽ lan tỏa. Khởi nghiệp cũng có những sự lan tỏa kỳ diệu như vậy.
Bạn khởi nghiệp cũng chính là giúp người khác khởi nghiệp. Giáo sư đưa ra một bài toán đơn giản từ sự khởi nghiệp bằng một sơ đồ hình cây: bắt đầu từ ba bạn trẻ khởi nghiệp ban đầu, sau đó, cứ mỗi người lại truyền đam mê của mình cho ba người khác. Và cứ như thế, số lượng người nắm bắt được cơ hội khởi nghiệp cho mình sẽ tăng theo cấp số nhân,từ đó sẽ nhanh chóng tạo cho đất nước nền công nghiệp công nghệ cao. Đây là một điều tuyệt vời với bất kỳ quốc gia nào.
Hãy khởi nghiệp ngay chính tại đất nước mình
Việt Nam là một đất nước có những lợi thế quan trọng: năng lực lao động lớn và thị trường rất lớn. Giáo sư ví mỗi quốc gia cũng giống như một doanh nghiệp. Là một doanh nghiệp thì luôn luôn phải đặt ra câu hỏi: làm thế nào để đột phá và phát triển tốt. Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều cạnh tranh, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa mức độ hiệu quả trong quản lý và kinh doanh và sáng tạo không ngừng.
Ông Sholomo Maital chia sẻ về chiến lược của Israel là khuyến khích thế hệ trẻ học khoa học công nghệ, theo đuổi công nghệ mới. Điều quan trọng là tại Israel, Nhà nước đóng vai trò lớn trong việc giúp thế hệ trẻ có những bước đầu khởi nghiệp. Nhà nước sẽ tham gia cùng các hãng đầu tư tư nhân để rót vốn, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giáo sư cũng thừa nhận những hạn chế trong đó: Nhiều doanh nghiệp tại Israel khởi nghiệp nhưng không thành công trong việc trở thành những doanh nghiệp toàn cầu. Bởi những doanh nghiệp dễ bị mua lại và nhiều trí tuệ phải rời khởi Israel. Trong suốt 15 năm, Israel không có doanh nghiệp nào trở thành doanh nghiệp toàn cầu.
Nguyên nhân bởi Israel là đất nước nhỏ, xa thị trường nên không thành công trong việc mở rộng quy mô.
Còn với Việt Nam,một đất nước có thị trường rộng lớn, chuẩn bị gia nhập nhiều cộng đồng kinh tế và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thì đây chính là cơ hội tuyệt vời cho thế hệ trẻ Việt Nam khởi nghiệp, đạt được quy mô toàn cầu.
Giáo sư cũng chia sẻ thêm: Chúng ta có thể gửi con em của mình đi những nơi khác, những nước khác học nhưng nói với chúng rằng: Hãy về nhà, về lại quê hương mình, quốc gia mình để làm giàu cho đất nước mình.
Đánh giá về những bài học mà phía Israel cung cấp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Israel có những bài học thiết thực mà Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp. Nhà nước nên có những đóng góp, hỗ trợ như đầu tư tài chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển sáng kiến hay mô hình kinh doanh mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo