Bí quyết thành công của nghệ nhân tranh kính trẻ tuổi
Tiếp nối thành công của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh người đầu tiên mạnh dạn tìm tòi và đã chinh phục thành công nghệ thuật tranh kính mang thương hiệu “ Vinh Coba”, nghệ nhân trẻ Bùi Thị Hải Hà được truyền nghề, nhận trọng trách gìn giữ và phát triển nghệ thuật tranh kính Vinh Coba cho tới thời điểm này đã có những thành công trong sản xuất và truyền bá nghệ thuật tranh kính "Vinh Coba".
Hành trình chinh phục nghệ thuật tranh kính
Sinh ra tại làng quê nghèo Thanh Oai, gia đình không có điều kiện về kinh tế, học hết cấp 2, chị xin nghỉ học và lăn lộn mưu sinh với đủ các nghề: làm pháo nổ, làm công nhân một xưởng giày dép thủ công, khâu nón.... Và như một cái duyên, đến năm 2003, chị Hà theo cô họ lên Hà Nội xin vào xưởng làm tranh kính của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh.
Lúc mới vào xin việc do thân hình nhỏ bé khiến nghệ nhân Vinh Coba không muốn thu nhận vì làm tranh kính phải có sức khỏe, khéo léo để lái được những tấm kính trên máy mài… nhưng thấy Hà quyết tâm cộng với nể bà cô họ - người thợ gắn bó lâu năm với xưởng nên tạm đồng ý.
Những ngày sau đó, chị bị ông chủ liên tục giao cho những công việc nặng và rất khó để thử lòng. Nhưng với tính lì lợm, lại có máu đam mê với nghề, Hải Hà ra sức làm tốt. Không những thế chị còn bộc lộ sự thông minh, tài hoa, khéo léo của mình. Lái các nét hoa văn nhỏ trên máy nặng gấp 3 lần trọng lượng cơ thể, sọc tay bo các đường thắng, đường cong một cách rất chuyên nghiệp. Với sự kiên trì, quyết tâm và niềm đam mê, chị đã thực sự thuyết phục nghệ nhân Phạm Hồng Vinh.
Thấy được sự nỗ lực, tài năng hiếm có, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã hướng dẫn, cho chị tiếp cận với những công đoạn khó hơn, giao cho chị những công việc chủ chốt. Sau khi chinh phục hết các công đoạn, Chị chính thức trở thành tay thợ xuất sắc trong xưởng và trở thành quản lý xưởng sản xuất ở Sơn Tây.
Nhớ lại những tháng ngày gian nan đó, chị Hà chia sẻ: “Với tôi nghệ thuật tranh kính là máu và nước mắt. Khi làm quen với kính nghệ thuật, vừa tạo khối, vừa tạo hình, tay tôi bắn máu. Sản phẩm mình dồn hết tâm huyết để tạo ra, nếu thành công là nụ cười nhưng thất bại thì máu nhuộm nước mắt”.
Ông trời không phụ lòng người. Sau 12 năm gắn bó với nghề, năm 2014, chị chính thức trở thành nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong 100 nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận, các sản phẩm của chị được thị trường biết đến, được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng, đồ vật trang trí, quà tặng....
Không ngừng sáng tạo
Hiện chị đang tiếp quản cơ sở sản xuất tranh kính mang thương hiệu Vinh Coba trên Sơn Tây, không lúc nào chị không trăn trở với hướng phát triển của dòng tranh kính. Rõ ràng, kính được ứng dụng trong sinh hoạt, trang trí nội, ngoại thất rất nhiều nhưng nghệ thuật tranh kính mang thương hiệu “Vinh Coba” – chuẩn Việt thì rất ít người biết đến. Mà nếu có biết đến thì chưa chắc dùng đến vì giá cả cao hơn so với các mặt hàng kính trung quốc.
Để có thể thích ứng với thị trường, phù hợp nhu cầu của từng đối tượng chị đã lập thêm một cơ sở mang tên tranh kính Sơn Hà với các dòng sản phẩm giá bình dân, cũng là dòng tranh kính nghệ thuật Vinh Coba, nhưng các công đoạn tạo tranh kính được bỏ bớt để giảm chi phí, hạ giá thành, chất lượng tranh kính phù hợp với túi tiền của khách hàng.
Vừa chỉ đạo xưởng sản xuất chị còn không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề cũng như tìm tòi sáng tạo ra những dòng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nghệ nhân Hải Hà luôn suy nghĩ, phá cách trong bố cục, hình dáng, họa tiết làm sao cho nghệ thuật tranh kính luôn mới mẻ, phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh, làm sao nghệ thuật tranh kính chinh phục đỉnh cao.
Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, Nghệ nhân Hải Hà đã thành công với dòng sản phẩm kính điêu khắc siêu bền ép nổ. Tạo sóng nước, khối nổi nghệ thuật trên mặt kính, dòng sản phẩm này cực bền, dưới tác động của lực mạnh nó không hề bị biến dạng. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong ứng dụng nội thất mà nghệ nhân Hải Hà đã dày công tạo ra. Chị cũng tạo thành công tác phẩm Khánh Phật- khánh kính điêu khắc với 11 âm thanh khác nhau và được bà Tòng Thị Phóng dùng để khai hội, dâng bánh chưng vua Hùng ở Thiên đường Bảo Sơn năm 2014.
Chung tay vượt qua khó khăn
Những lúc kinh tế khó khăn, ngành xây dựng trì trệ, các đơn hàng tranh kính ít hơn, nhiều công nhân của xưởng cũng chán nản vì sức bán chậm. Để động viên công nhân, Nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà luôn luôn quan tâm tới đời sống của anh em, tới bảo hộ lao động và đặc biệt là không bao giờ chậm lương.
Chị chia sẻ: “ Vấn đề tài chính luôn khiến tôi đau đầu, càng khó khăn tôi càng phải tỉnh táo, công nhân gắn bó với tôi với nghề cũng vì họ yêu nghệ thuật tranh kính, họ được đảm bảo mọi thứ trong môi trường làm việc cạnh tranh”.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, nghệ nhân trẻ này cho biết: "Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục cải tiến và phát triển dòng tranh kính nghệ thuật. Bên cạnh mang văn hóa dân gian vào tranh, tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn đến văn hóa tâm linh và thổi hồn vào tranh kính. Tôi mong muốn mình sẽ là trở thành một nghệ nhân giỏi, một doanh nhân làm kinh tế giỏi, đưa sản phẩm tranh kính ứng dụng rộng rãi, phổ biến có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước".
End of content
Không có tin nào tiếp theo