Xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình “vi hành” bắt sống công chức trốn việc

Tình trạng cán bộ, công chức bỏ bê công việc la cà quán xá trong giờ hành chính ở Quảng Bình khiến dư luận bức xúc. Để giải quyết triệt để vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính đã đích thân đi kiểm tra đột xuất tại... các quán cà phê.

(NTNN) Chẳng ai biết họ đi đâu, làm gì…

Rất nhiều người, đặc biệt là người lao động, doanh nghiệp… ngán ngẩm kêu ca mỗi khi có việc gì liên quan phải đến các cơ quan hành chính. Nhiều người có việc gấp nhưng cũng phải đợi đến giữa buổi làm việc mới gặp được cán bộ phụ trách, nhiều lúc phải đợi sang buổi khác.

Một người (đề nghị giấu tên) nói đầu giờ sáng, họ (các cán bộ, công chức) thường ăn sáng, cà phê quá giờ rồi mới đến cơ quan làm việc hoặc đến cơ quan để đồ đó như điểm danh rồi đi ăn sáng, cà phê. Gần cuối buổi sáng thì về sớm đi chợ búa, nhậu nhẹt… Thế nên chỉ mong gặp được trong khoảng trên dưới 9 giờ. Tất nhiên, khi đến trụ sở thường sẽ gặp ai đó nhưng người cần gặp lại không có, hỏi thì được đồng nghiệp trả lời với đủ lý do như vừa mới đi ra ngoài, đi họp, đám tang, đám cưới… Sự thật chẳng ai biết họ đi đâu, làm gì.

Ngay bản thân những người làm báo như chúng tôi cũng thường xuyên lo lắng, “canh me” giờ giấc mỗi khi có việc phải tìm đến cơ quan chức năng, trụ sở hành chính.

Mới đây, khi tìm hiểu về một vụ tố cáo cán bộ xã đánh người, chúng tôi đến UBND xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) lúc 10 giờ nhưng trụ sở vắng hoe, chỉ có 3 nhân viên; trong khi phía trên tường trước cửa phòng công an xã vẫn có dán tờ giấy ghi lịch làm việc đến 11 giờ 30.

Bắt quả tang

Sáng 14.3, sau khi bắt đầu giờ làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính cùng Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Sơn và một cán bộ thanh tra tiến hành kiểm tra đột xuất tại 7 quán cà phê ở TP.Đồng Hới. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã phát hiện khoảng 15 cán bộ, công chức đang uống cà phê; trong đó có cán bộ của Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty điện lực Quảng Bình…

Chúng tôi cũng đã tìm gặp Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Thường, ông cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc, cán bộ đó đã đến gặp tôi trình bày lý do là tiếp bạn ở Kon Tum ra. Trước Tết Nguyên đán, tôi đã phổ biến chỉ thị của Ban Thường vụ rồi và sau đợt này sẽ tiếp tục quán triệt trong toàn thể cơ quan”.

Trao đổi với PV, Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính cho biết: “Vừa qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thực hiện công việc chưa nghiêm, ví như lạm dụng việc sử dụng xe công; trong giờ hành chính, nhất là buổi trưa hay sử dụng rượu bia; rồi đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc, không tập trung công tác chuyên môn; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp chưa được tận tụy… Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một lúc 3 chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đổi mới trong nếp sống, sinh hoạt nhằm chấn chỉnh, nâng cao thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên”.

Theo ông Bính, các chỉ thị được ban hành đã đi vào cuộc sống rất nhanh, rất tốt, có hiệu quả ngay lập tức. “Thế nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ công chức đi muộn về sớm, rồi chưa tập trung trong giờ làm việc, la cà quán cà phê, kể cả các cán bộ có chức vụ. Nói để trao đổi công việc là không đúng, vì trao đổi công việc thì anh phải ngồi ở trụ sở, không thể ra ngoài quán cà phê, như vậy tác phong làm việc không đúng quy định. Để nâng cao hiệu quả của chỉ thị, tôi là người đứng đầu nên phải kiểm tra đột xuất”, ông Bính chia sẻ.

“Xin lỗi anh công tác cơ quan nào ?”


Trả lời câu hỏi "khi vào quán thì bí thư xử lý thế nào?", ông Bính kể: “Nhìn tác phong, tôi đoán là cán bộ thì hỏi: Xin lỗi anh công tác cơ quan nào? Mà họ biết tôi nên phải trả lời thật, Bí thư Tỉnh ủy không lẽ cán bộ không biết, nên phải đứng dậy trả lời ngay. Nếu không trả lời thật thì tôi sẽ có biện pháp, nhưng trước Bí thư Tỉnh ủy thì không thể nói dối được”.

“Khi bị phát hiện như thế, thái độ họ thế nào ạ?”, “Lúng túng và sợ, có người thanh minh đang chờ bạn, chờ đối tác hay đi làm rồi tranh thủ vào uống ly cà phê, về cơ bản là sợ và biết mình có lỗi. Với những trường hợp này, do là lần đầu nên chỉ cảnh báo, nhắc nhở, răn đe, giáo dục là chính; lần sau mà bắt gặp nữa thì sẽ đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, gửi văn bản về cơ quan hoặc yêu cầu xử lý kỷ luật hành chính, xem lại biên chế của cơ quan đó, xem trách nhiệm quản lý cán bộ công chức của cơ quan đó như thế nào...”.

Ông Bính còn cho biết thêm: “Rồi đây tôi sẽ về các huyện nữa, ở những nơi tập trung quán xá nhiều, sẽ kiểm tra đột xuất. Mình lãnh đạo phải đi trực tiếp mới biết người thật việc thật, thiết thực đi vào cuộc sống chứ chỉ nghe nói lại nhiều khi không chính xác. Đợt thứ hai mà phát hiện ai là kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí gọi cơ quan đến nhận người. Không thể chấp nhận cán bộ ăn lương nhà nước, ăn lương của dân mà đi la cà như thế được. Việc nhỏ nhất không làm được thì việc gì làm được, trong khi cứ kêu là thiếu cán bộ, thiếu biên chế. Nhưng tôi tin rằng sau chuyến này anh em sẽ chấn chỉnh tốt hơn”.

 



Đoàn Huế

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo