Xã hội

Bia có phải là mặt hàng xa xỉ?

Trước những ý kiến chỉ trích cho rằng VN là “quán quân” tiêu thụ bia trên thế giới, lo ngại rượu, bia gia tăng là nguyên nhân gây nhiều hệ luỵ ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, tại hội thảo ngày 30.9, công bố báo cáo “Vị trí, vai trò của ngành bia trong phát triển kinh tế - xã hội VN” do Viện Nghiên cứu Chiến lược - chính sách công nghiệp chủ trì phối hợp với Cty Nghiên cứu chính sách Regioplan (RP) và Ernst & Young (EY).

 Bia hơi là thức uống quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội.

Lạm dụng rượu bia mới gây hoạ

TS Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Viện NCCL) - nhìn nhận: Các thương hiệu trong nước như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội đã đánh bạt các thương hiệu nhập khẩu, chất lượng kém. Còn nhớ một thời bia Vạn Lực (Trung Quốc) tung hoành thị trường VN, giờ đã biến mất. 
 
Năm 2013, VN tiêu thụ 3,043 tỉ lít bia các loại, thì 2 doanh nghiệp lớn là TCty CP Bia - Rượu- NGK Sài Gòn (Sabeco) và TCty CP Bia - Rượu - NGK Hà Nội (Habeco) nắm giữ hơn 62% thị phần, thị phần còn lại thuộc về Heineken (21%), Carlsberg (8%), Cty TNHH Hương Sen (3%), còn lại là các thương hiệu khác (6%). 
 
 Thực khách tại lễ hội bia 2013. Ảnh: HẢI NGUYỄN
 
Ngành bia dù có số lao động chưa đến 0,3% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp, nhưng đang tạo ra giá trị sản xuất đạt 38.800 tỉ đồng (năm 2013), chiếm 1,01% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành và đạt giá trị gia tăng 18.900 tỉ đồng (chiếm tới 2,3% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp). Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần các năm khoảng 22-26% và được xem là ngành kinh tế hoạt động hiệu quả. 
 
Năm 2013, doanh thu thuần của ngành này đạt ngưỡng xấp xỉ 45.400 tỉ đồng, chiếm gần 60% doanh thu thuần của toàn ngành đồ uống. Lợi nhuận bia đạt 10.150 tỉ đồng. Số liệu được tính toán bởi Cty Nghiên cứu chính sách Regioplan cho biết: Giá trị gia tăng của ngành bia đạt tới 30.000 tỉ đồng năm 2013 nhờ năng suất lao động ngành này cao hơn nhiều ngành khác.
 
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cũng thừa nhận: Nhu cầu tiêu dùng bia là chính đáng, và đang có xu hướng gia tăng cùng với tăng trưởng kinh tế, vấn đề gia tăng dân số. Tuy nhiên, VN không phải là quán quân tiêu thụ bia, mà chỉ thuộc hàng trung bình, tiêu thụ xấp xỉ 30 lít/đầu người/năm chỉ xếp hạng trên 50. “Sử dụng bia đúng cách tốt cho sức khoẻ. 
 
Ngược lại, lạm dụng rượu bia mới gây tai hoạ” - ông Thi nói. TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Sabeco - nói thêm: Với 1,36 tỉ lít bia/năm, riêng Sabeco đang tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho không dưới 200.000 lao động, bao gồm cả các nhà máy sản xuất, doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ, các kênh tiêu thụ. Ngành sản xuất bia phát triển đem lại thu nhập cho người lao động và toàn xã hội.
 
Tăng thuế, lo giảm tiêu dùng
 
Từ 1.1.2013, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng bia đã tăng từ 45% lên 50%. So sánh mức tiêu thụ bia trong quý I/2014 với cùng kỳ (quý I/2013), báo cáo của Viện NCCL cho thấy có sự tỉ lệ nghịch. Thuế tăng 5% tác động lên giá bán làm giảm sức tiêu thụ bia, đồng thời tác động tiêu cực đến NSNN, khiến ngân sách quý I/2014 giảm thu 6%. 
 
Thuế TTĐB đối với mặt hàng bia tiếp tục được đề xuất nâng tiếp 5% áp dụng từ 1.7.2015 và 3 năm tiếp theo mỗi năm tăng 5%, nâng mức thuế TTĐB từ 50% hiện nay lên 65% vào năm 2018, nhằm hạn chế tác dụng của lạm dụng rượu bia đến sức khoẻ người sử dụng. 
 
Dù thừa nhận tác động tích cực của ngành bia đối với đời sống xã hội và tiêu dùng, song đứng trên quan điểm xây dựng chính sách thuế, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi cho rằng: Khi giảm thuế từ 75% đối với bia chai, bia lon xuống mức đồng loạt 45% đối với bia để phù hợp cam kết hội nhập WTO, giá bán không thay đổi, nghĩa là các DN bia đã lãi lớn từ thuế. Đồng tình với việc tăng thuế TTĐB sẽ khiến giá tăng, cầu giảm, nhưng ông cho rằng, tỉ suất lợi nhuận của ngành bia sẽ không giảm. 
 
Tuy nhiên, phản bác quan điểm này, cả ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam và ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Sabeco - đều cho rằng: “Không có sự đồng thuận trong việc tăng thuế TTĐB lên mặt hàng bia và vẫn tăng thu ngân sách, bởi 2 yếu tố này thường triệt tiêu nhau”. “Mặt hàng bia đang chịu tới 9 loại thuế, ngoài thuế TTĐB, còn chịu thuế VAT từ dịch vụ, từ bán lẻ, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế XNK... 
 
Vì vậy, nếu càng tăng thuế thì sức cầu giảm, người tiêu dùng sẽ chuyển từ bia sang các loại đồ uống rẻ tiền hơn, đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu, nhưng mục đích giảm số người lạm dụng rượu bia không thực hiện được” - ông Tuất nói.
 
Lo ngại hơn là từ năm 2015, khi VN tham gia TPP thì nhiều dòng thuế sẽ được bãi bỏ cho các loại bia nhập khẩu. Khi đó, thị trường bia VN sẽ nhường chỗ cho bia ngoại độc chiếm, ngành sản xuất bia trong nước dù làm ra giá trị gia tăng cao, tạo nhiều công ăn việc làm, thực hiện an sinh xã hội cũng sẽ bị thu hẹp và thôn tính.
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo