Xã hội

Bia, rượu ở Việt Nam và những con số đáng báo động

Đứng thứ 3 về tiêu thụ bia, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông... là những điều đáng báo động về tình trạng sử dụng bia rượu tại Việt Nam.

Đứng thứ 3 Châu Á về tiêu thụ bia

 

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong gần 2 thập kỷ qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn toàn cầu đang chững lại thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng tăng nhanh về tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới.

 

Mức tiêu thụ chất có cồn tính trên bình quân đầu người (đối với người trên 15 tuổi) của Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010. Trung bình 1 ngày, người uống rượu bia trên 15 tuổi tiêu thụ khoảng 37,7 gam cồn nguyên chất.

 

 Tình trạng tiêu thụ chất có cồn bình quân đầu người uống (trên 15 tuổi). (ảnh: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế).

Điều rất đáng lo ngại là tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn tiếp tục tăng cao. Khoảng 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 có sử dụng đồ uống có cồn (năm 2008), tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm. Trong đó, 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nhóm 14-17 tuổi tăng từ 34,9% lên 47,5% và ở nhóm tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67%.

 

Với mức tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc.

 

Là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong

 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có cồn là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên thế giới. Năm 2012 đã ghi nhận 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến sử dụng chất có cồn - chiếm khoảng 5,9% tất cả các trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

 

Đồ uống có cồn còn là nguyên nhân của 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trở thành vấn đề lớn của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện có 30 bệnh do nguyên nhân trực tiếp là sử dụng đồ uống có cồn và 200 loại bệnh tật, chấn thương mang nguyên nhân gián tiếp từ việc sử dụng đồ uống có cồn.

 

Đồ uống có cồn và bệnh tật trên toàn cầu. (ảnh: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế).

Bên cạnh đó, khoa học đã xác định có mối liên quan giữa lượng đồ uống có cồn và mức độ tâm thần, rối loạn hành vi. Thậm chí chúng là một trong các nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư). Một nghiên cứu mới nhất của WHO còn cho thấy tồn tại mối liên quan giữa đồ uống có cồn với tỷ lệ mắc mới các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, viêm phổi, HIV/AIDS.

 

Đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Thống kê từ Điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam 2009 cho biết 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động 1 tuần trở lên. Nghiêm trọng hơn, 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân sử dụng chất có cồn.

 

1/3 vụ bạo lực gia đình liên quan đến bia rượu

 

Theo số liệu điều tra của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đồ uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.

 

Trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng đồ uống có cồn của người lớn như: bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi (11,1%), bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn (6,5%), phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình (6,1%), bị đánh đập gây đau đớn về thể xác (3,8%), hoặc chịu ít nhất 1 trong 4 vấn đề nêu trên (13,8%), cao hơn các quốc gia khác như: Úc (11,8%), Ai Len (11,1%), Thái Lan (13,1%).

 

Hậu quả khác của đồ uống có cồn đối với các vấn đề xã hội bao gồm: giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ tai nạn lao động, mất việc làm, bạo lực, tội phạm. Phí tổn kinh tế do đồ uống có cồn từ 1,3%-12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do đồ uống có cồn thường cao hơn so với chi phí trực tiếp. Đức là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn đứng thứ 9 trên thế giới, thiệt hại do đồ uống có cồn khoảng 32 tỷ USD/năm (2006), trong khi chi phí trực tiếp cho chăm sóc y tế là 9,4 tỷ USD. Thái Lan là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức trung bình, thiệt hại do rượu bia năm 2006 là 1,99% GDP, gấp 2,4 lần nộp ngân sách từ thuế. Chi phí cho sử dụng đồ uống có cồn chiếm 11% chi tiêu hộ gia đình tại Rumani; 3-45% tại Ấn Độ.

 

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông

 

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ diễn ra hôm 8/5, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia chiếm tới 6,87%. Chỉ trong 6 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1-5, cả nước đã có 167 người chết vì TNGT và vào dịp nghỉ lễ, Tết, tỷ lệ vi phạm giao thông có liên quan đến rượu bia tăng cao hơn.

 

Được biết, trong đợt cao điểm xử lý tình trạng uống rượu bia tham gia giao thông (từ 15-12-2014 đến nay) lực lượng CSGT cả nước đã lập biên bản hơn 35.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó chủ yếu là người điều khiển xe mô tô chiếm tới 93,2%. Đã tước GPLX hơn 35.000 trường hợp, tạm giữ gần 2.400 xe ô tô, gần 33.000 xe mô tô, xử phạt 110 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, theo nghiên cứu của WHO từ 2010 đến nay ở Việt Nam trên hơn 18.000 nạn nhân TNGT nhập viện, 36% người điều khiển mô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50mg/100ml) và gần 67% người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0mg/100ml).

 

Trước tình hình trên, đại diện của WTO cho rằng, nên tăng nặng các hình thức xử phạt, và cưỡng chế thực thi nghiêm khắc và nghiên cứu đưa hình thức phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu cao vượt quá mức độ cho phép và phạt nặng nếu tái phạm.

Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo