Xã hội

Biển Đông dậy sóng: Trung Quốc ngày càng bị cô lập

Tình hình Biển Đông: Trung Quốc "đang ngày càng bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại."

Mỹ: Trung Quốc sẽ bị cô lập vì tranh chấp Biển Đông

Kyodo đưa tin, ngày 14/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại liên quan tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông.
 
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, bà Rice lưu ý Trung Quốc "đang ngày càng bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại."
 
Theo bà, những nước mong muốn có quan hệ hữu nghị và xây dựng với Trung Quốc "đang ngày càng cảm thấy khó chịu và lảng tránh (Trung Quốc) bởi điều mà họ coi là các hành động khiêu khích và gây hấn của nước này."
 
Bà Rice nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng những hành động gây hấn và đe dọa, những bước đi gây ra những vụ việc trên thực địa mà làm phức tạp cho triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao là hoàn toàn không hữu ích."
 
Bà Rice hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng Trung Quốc "muốn được chào đón và thừa nhận là một cường quốc, không chỉ trong khu vực mà ở tầm cỡ toàn cầu."
 
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice
 
Cũng trong ngày 14/5, Nhà Trắng nhấn mạnh tranh chấp trên Biển Đông liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương-981 tại vị trí cách bờ biển Việt Nam cần được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải đe dọa.
 
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: “Quan điểm của chúng tôi là cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải bằng sự hăm dọa. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi đối thoại nhằm tìm giải pháp trong vấn đề này”.
 
Tổng thống Obama trước đó cũng đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết những tranh chấp "theo hướng hòa bình" và "không sử dụng hình thức dọa dẫm hay cưỡng ép". Washington gọi hành vi của Trung Quốc "mang tính khiêu khích" và là “sự đe dọa tiềm tàng vô cùng nghiêm trọng” đối với nguyên tắc tự do hàng hải trên toàn bộ khu vực Biển Đông.
 
Pháp, Anh lên tiếng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
 
Tại cuộc họp báo ngày 14/5 ở Quai d’Orsay, trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, khi bình luận về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ: "Pháp quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông.
 
Pháp kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại".
 
BBC dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Anh tiết lộ đã nói chuyện với Trung Quốc để nêu quan ngại về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
 
Quốc vụ khanh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Hugo Swire ra tuyên bố nói việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển nói trên đã dẫn tới “căng thẳng gia tăng”.
 
Ông Hugo Swire ra tuyên bố để ủng hộ thông cáo trước đó của người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu EU về tình hình căng thẳng trên Biển Đông.
 
Ông cũng tiết lộ Anh đã “nêu vấn đề với chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ”.
 
“Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng,” đại diện ngoại giao Anh nói.
 
Quốc vụ Khanh của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Hugo Swire
 
Trước đó, hôm 8/5, EU cũng bày tỏ lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, đồng thời thúc giục các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải.
 
Chuyên gia Đức: Trung Quốc có động cơ chính trị ở Biển Đông
 
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Làn sóng Đức ngày 14/5, tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị (SWP) ở Berlin cho rằng Trung Quốc có động cơ chính trị khi tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 gần bờ biển Việt Nam.
 
Ông Gerhard Will nghi ngờ về thời điểm hành động của Chính phủ Trung Quốc là nhằm thử tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN với Việt Nam cũng như sự ủng hộ và hợp tác của Mỹ với Việt Nam và Philippines.
 
Mặt khác, chuyên gia Đức cũng nhận định ASEAN chưa có phản ứng "đến nơi đến chốn" và chưa tìm được tiếng nói chung trước vụ việc trên.
 
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại thành phố Hamburg, ông Gerhard Will đã khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 như vậy là "một bước thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết."
 
Ông cũng cho rằng hành động nêu trên của Trung Quốc không phải là việc làm đầu tiên của nước này nhằm thực hiện yêu sách lãnh thổ chiếm tới gần 80% tổng diện tích Biển Đông với đường chín đoạn của họ.
 
Ông khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định về luật biển quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, cũng như vi phạm DOC mà các nước ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11/2002.
 
Financial Times: Trung Quốc giở quẻ trong quan hệ với Việt Nam
 
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng động thái hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 gần bờ biển Việt Nam của Trung Quốc hoàn toàn bất ngờ và nó đã đẩy quan hệ Việt-Trung đang dần cải thiện đi lệch quỹ đạo.
 
Các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng động thái của Bắc Kinh là nhằm phản ứng lại việc Mỹ gần đây lên tiếng đòi đòi Bắc Kinh phải giải thích rõ ràng về tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông.
 
Được biết, hồi tháng 10/2013, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ tạo ra một nhóm làm việc nhằm thảo luận các vấn đề phối hợp phát triển hàng hải.
 
Ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng cả hai phía đã từng nhất trí phối hợp giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhằm tránh những vụ đụng độ hai bên.
 
Nhận định về phản ứng của Mỹ, Nga trước căng thẳng Biển Đông
 
Theo ông Lucio Caracciolo, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về thời sự-chính trị quốc tế, hiện là Tổng Biên tập của Limes, tạp chí về địa-chính trị uy tín của Italy, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981, có thể được coi là một đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực.
 
Học giả, nhà bình luận chính trị quốc tế hàng đầu của Italy Lucio Caracciolo
 
Nhận định về phản ứng của Mỹ trước hành động của Trung Quốc, ông Lucio Caracciolo cho rằng, Mỹ đã từng đưa ra khẩu hiệu, chiến lược "xoay trục châu Á", nhằm kiểm soát và khống chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, một chính sách giống như những gì mà Mỹ đã từng áp dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để đối đầu với Trung Quốc và Liên Xô, và những đối đầu đó chỉ kết thúc một phần khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận với nhau vào những năm 1970.
 
Bây giờ, sau nhiều năm trôi qua, khi ngày càng lớn mạnh lên, Trung Quốc cảm nhận được áp lực của Mỹ và một cuộc xung đột lớn đang hình thành ở châu Á.
 
"Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đe dọa vị trí siêu cường số một của họ, trong khi Trung Quốc nhận thấy Mỹ tìm mọi cách để kìm hãm sự vươn lên của họ. Trong quá trình phát triển, Trung Quốc coi việc kiểm soát các biển Hoa Đông và Biển Đông cùng các tuyến giao thương hàng hải trên đó như một hành lang quan trọng để đảm bảo cho họ trở thành một siêu cường có ảnh hưởng lớn trong khu vực về kinh tế và quân sự của họ.
 
Chừng nào người Mỹ và người Trung Quốc chưa đạt được những hòa hoãn như những năm trước kia, thì chừng đó an ninh của khu vực vẫn còn bất ổn. Tôi không tin rằng họ sẽ tìm được tiếng nói chung trong thời gian tới, bởi quan điểm của hai bên rất khác nhau", ông Lucio Caracciolo nói.
 
Cũng theo ông Lucio Caracciolo: "Nước Nga đã luôn là một đối tác lớn của Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh này, họ im lặng là bởi những tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, diễn ra sát sườn họ, hơn là những vấn đề ở tận Biển Đông xa xôi hơn.
 
Chính cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến cho Trung Quốc và Nga gạt bất đồng để xích lại gần nhau. Trong quan hệ ấy, Moskva và cả Bắc Kinh đều được lợi, bởi trước hết, Nga nhìn Trung Quốc như một thị trường khổng lồ để thay thế cho thị trường châu Âu và Ukraine, một khi các trừng phạt của Phương Tây đối với họ có tác dụng.
 
Vì thế, tôi tin rằng, trong thời gian trước mắt, Nga sẽ gần với Trung Quốc hơn là Việt Nam, do đó sẽ không thể hiện vai trò nào ở Biển Đông mà để Trung Quốc đối đầu với Mỹ".
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo