Xã hội

Biển Đông: Giàn khoan Nam Hải vận hành, ASEAN lại bàn

TQ cho giàn khoan Nam Hải 9 hoạt động trên Biển Đông, quốc tế phản đối kịch liệt. ASEAN phải thể hiện vai trò trung tâm và trách nhiệm của mình.

Tàu Trung Quốc tiếp tục dàn hàng ngang, vây ép tàu Việt Nam

Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ngày 27/6, các tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần, tàu vận tải và tàu kéo của Trung Quốc tiếp tục tổ chức dàn thành hàng ngang, đồng loạt tăng tốc độ, hú còi, vây ép, ngăn cản (lúc gần nhất cách tàu ta khoảng 200m) và sẵn sàng đâm va khi các tàu của ta tiến vào gần giàn khoan Hải Dương 981 để thực thi pháp luật.
 
Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, từ 9h đến 9h36 sáng 27/6, phát hiện máy bay trinh sát cánh bằng không rõ số hiệu, bay 3 lần qua khu vực tàu Việt Nam ở độ cao 1.000 – 2.000m, sau đó bay ra ở hướng Tây Bắc.
 
Cùng với đó, trong ngày, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng lớn các tàu bảo vệ giàn khoan gồm 110-114 tàu các loại, trong đó có 42-43 tàu Hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 15-17 tàu kéo, 34 tàu cá và 6 tàu quân sự.
 
Bên cạnh đó, tàu cá của ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở phía Tây-Tây Nam, cách giàn khoan 42-44 hải lý.
 
Tàu Trung Quốc dàn hàng ngang ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
 
Tại khu vực tàu cá của ta đánh bắt có khoảng 40 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh số hiệu 46102 và 46106 của Trung Quốc đã tổ chức ngăn cản các tàu cá của ta trong quá trình tiếp cận vào gần giàn khoan để khai thác thủy sản.
 
ASEAN cần có cách tiếp cận khu vực với vấn đề Biển Đông
 
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN đặc biệt ngày 27/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã cập nhật về những diễn biến phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và cùng với việc đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ, trong đó có cả tàu và máy bay quân sự xâm phạm sâu vào trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng LPQT, Công ước Luật Biển và Tuyên bố DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc.
 
Thứ trưởng đánh giá cao Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014 và cho rằng, ASEAN cần phải đẩy mạnh các nỗ lực của mình nhằm bảo đảm rằng các nguyên tắc của luật pháp quốc tê, Công ước Luật Biển, DOC và các Tuyên bố của ASEAN phải được thực hiện trên thực tế mà trước hết là việc Trung Quốc phải chấm dứt xâm phạm và rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
 
Hơn bao giờ hết, ASEAN cần phải chủ động đề xuất các cơ chế để bảo đảm rằng các quy định của DOC phải được tôn trọng và sớm đạt được Bộ Quy tắc COC. Đây chính là trách nhiệm và ASEAN cần phải thể hiện vai trò chủ động, trung tâm của mình, tiếp tục tiếng nói chung đối với những vấn đề quan trọng của khu vực.
 
Các quan chức cấp cao của ASEAN tại cuộc họp sáng ngày 27/6 tại Hà Nội
 
Các nước ASEAN đều khẳng định các diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Biển Đông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Do vậy, đây là vấn đề thuộc quan tâm chung và ASEAN phải có tiếng nói, thể hiện vai trò trung tâm và trách nhiệm của ASEAN.
 
Bên lề cuộc họp, ông U Aung Lynn, Vụ trưởng vụ ASEAN kiêm trưởng phái đoàn SOM ASEAN của Myanmar cũng nói: "Tôi muốn khẳng định quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông đã rất rõ ràng.
 
Chúng ta đã có nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông và ASEAN cũng đang theo sát diễn biến tình hình trên Biển Đông. Đối với các diễn biến gần đây trên Biển Đông, ASEAN đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc. Đó là quan điểm chung của ASEAN".
 
Những quy tắc của ASEAN đã được các nước lớn thừa nhận, trong đó có Trung Quốc. Trung Quốc nhận thức rõ mối quan hệ của họ với ASEAN là tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ với ASEAN, trong đó có các nguyên tắc liên quan đến Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc đang trong quá trình tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Quá trình này đang tiến triển.
 
"Các điều phối viên của ASEAN như Thái Lan đang làm việc chặt chẽ với Trung Quốc. Cách đây vài ngày đã diễn ra cuộc họp trên đảo Bali, Indonesia, về việc thúc đẩy quá trình chuẩn bị tiến tới COC. Quá trình này vẫn đang tiến triển giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN mong muốn COC sớm được hoàn tất," ông cho biết thêm.
 
Liên đoàn luật sư Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc
 
Cũng trong ngày 27/6, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối các hành vi liên tiếp sử dụng vũ lực của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
 
Liên đoàn luật sư Việt Nam thay mặt giới luật sư Việt Nam tuyên bố: Cực lực phản đối các hành vi sử dụng vũ lực một cách thô bạo của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ thay đổi hiện trạng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
 
Kịch liệt lên án các hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc đã trực tiếp gây tổn thất lớn về tài sản, đe dọa tính mạng và dẫn đến thương vong đối với các nhân viên thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam.
 
Kiên quyết yêu cầu Chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông (trong đó có việc chấm dứt hoạt động và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) ; đồng thời bồi thường các thiệt hại về người và tài sản của các ngư dân và cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam.
 
Liên đoàn luật sư Việt Nam đã đề xuất và một lần nữa tiếp tục đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Liên đoàn luật sư Việt Nam cam kết tập hợp lực lượng luật sư Việt Nam, đồng thời vận động tối đa sự ủng hộ quốc tế để đóng góp vào thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh này.
 
Giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc đã đi vào hoạt động tại Biển Đông
 
Mặt khác, trang Bloomberg ngày 26/6 dẫn thông báo từ trang web của Cục Hải sự Trung Quốc cho hay, giàn khoan Nam Hải 9 đã bắt đầu được vận hành từ ngày 24/6 và sẽ hoạt động cho đến ngày 20/8.
 
Cơ quan này cho biết Nam Hải 9 hiện đang nằm cách cảng Tam Á thuộc đảo Hải Nam, cực nam Trung Quốc, khoảng 111 km.
 
Nam Hải 9 là một trong 4 giàn khoan được được điều động ra Biển Đông, theo Bloomberg.
 
Giàn khoan
 
Trang mạng quân sự Trung Quốc (military.china.com) ngày 18/6 cũng chính thức xác nhận Bắc Kinh tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 mang tên Nam Hải 9 ra Biển Đông, được kéo bởi tàu lai dắt kéo Đức Gia từ toạ độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông từ ngày 18-20/6.
 
Và theo trang quân sự của mạng Sina ngày 18/5, giàn khoan Nam Hải 9 này được kéo từ phía Nam đảo Hải Nam (thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) tiến về hướng Tây Nam, xích lại gần phía giàn khoan Hải Dương 981.
 
Nam Hải 9 là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đã được Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) mua lại ở tình trạng đã qua sử dụng với lý do nhằm thúc đẩy hoạt động ở các vùng nước sâu.
 
Nam Hải 9 có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 1.615m, độ khoan sâu tối đa 7.620m, có thể khoan tối đa với tải trọng 3.798 tấn, với đầy đủ chức năng khoan, hoàn thành và sửa chữa.
 
Trung Quốc vi phạm các cam kết quốc tế
 
Trước đó, ngày 25/6, tại hội thảo “Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông” ở Paris,  diễn giả Rommel Banlaoi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Miriam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS) nhận định: Trung Quốc là một con rồng đã thức dậy và vươn lên mạnh mẽ.
 
Thoạt đầu, rất nhiều người mong đợi rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại tác động tích cực cho khu vực và thế giới. Thế nhưng, sự thất vọng, hoài nghi và lo ngại đã dần xuất hiện.
 
Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông.
 
“Rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như Công ước Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
 
Tất cả đều phục vụ mục đích là cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn Biển Đông thông qua tuyên bố vô căn cứ Đường chín đoạn,” ông Rommel Banlaoi nói.
 
Các học giả tham gia hội thảo đều phản đối
 
Ông Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc, tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này.
 
Giáo sư Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm bốn giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực Biển Đông.
 
Theo ông, để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã thỏa thuận và trên hết là các nước ASEAN phải có tinh thần đoàn kết vì chỉ có đoàn kết và hợp tác mới góp phần giải quyết tình hình căng thẳng tại Biển Đông.
 
Bên lề hội thảo, bà Marie-Sybille de Vienne, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO) có trụ sở tại Paris, Giám đốc Trung tâm Nam Á và Đông Nam Á, đã bày tỏ lo ngại khi nhận thấy Trung Quốc sẵn sàng làm mọi cách để thể hiện rằng họ đã trở thành một cường quốc, có thể làm gì tùy thích trong khi các nước Đông Nam Á không có đủ phương tiện để ứng phó.
 
Bà Marie-Sybille de Vienne đánh giá không dễ nhìn thấy lối thoát cho sự gia tăng căng thẳng hiện nay khi nó diễn ra cùng với sự tăng cường đều đặn lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc, xét cả ở khía cạnh quân sự lẫn kinh tế.
 
Có cảm giác rằng Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh to lớn của mình bắt đầu từ việc áp đặt trên thực địa khu vực trước khi triển khai các tham vọng ra quy mô toàn cầu.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo