Quốc tế

Biển Đông nóng ngày PCA ra phán quyết

(DNVN)-Giới phân tích cho rằng, phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) vào 4 giờ chiều nay (theo giờ Hà Nội) có tác động lớn đến Biển Đông - một trong những điểm nóng địa chính trị lớn nhất thế giới.

Vào khoảng 4 giờ chiều nay theo giờ Hà Nội, Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) sẽ ra một phán quyết mang tính bước ngoặt về vụ kiện tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, phán quyết của PCA có tác động lớn đến Biển Đông - một trong những điểm nóng địa chính trị lớn nhất thế giới. 

Một phiên điều trần tại Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế. (Ảnh: PCA)

Với việc Philippines và Trung Quốc bất đồng về tuyên bố chủ quyền trên vùng đất rộng lớn của Biển Đông, Manila đã đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) có trụ sở ở La Hay, Hà Lan vào năm 2013. 

Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện này, đánh dấu lần đầu tiên một tòa án quốc tế đã ra phán quyết về một loạt những yêu sách chồng lấn trên biển, và các chuyên gia phân tích dự đoán rằng phán quyết của PCA đưa ra vào chiều này sẽ không có lợi cho Bắc Kinh. 

"An ninh đã có những hậu quả thực tế. Do Biển Đông là một trong những tuyến đường giao thương nhộn nhịp nhất thế giới, phán quyết của PCA hôm nay sẽ tác động đến hoạt động thương mại và kinh doanh trên khắp thế giới", ông Eric Shimp, một cố vấn chính sách thương mại tại công ty luật Alston & Bird nhận định. 

"Ngoài Philippines và Trung Quốc, các quốc gia khác quan tâm đến vụ kiện này đều mong đợi một phán quyết ủng hộ Philippines", ông Eric Shimp cho biết thêm. 

Trong một tuyên bố đệ trình lên Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền vô cớ của mình, Bắc Kinh đã ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. 

 

Ngày 24/11/2015, PCA đã bắt đầu phiên điều trần về vụ Philippines kiện TQ liên quan đến các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông. Việt Nam, cùng với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Australia và Nhật Bản được phép tham dự với tư cách là nước quan sát viên. 

Trước đó, PCA cho biết qua xem xét đơn kiện của Manila, tòa án đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng, vụ tranh chấp trên thực tế không thuộc quyền tài phán của PCA. 

Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận vụ kiện và từ chối tham gia tiến trình. Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore diễn ra trong tháng 6, các quan chức quân sự Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không tuân thủ phán quyết sắp tới của PCA.

Tiến sĩ Harry Kazianis, nghiên cứu sinh Chính sách an ninh quốc gia, Tổ chức Potomac (Potomac Foundation), Mỹ, cho rằng, đại diện của Trung Quốc cũng đã nhắc đi nhắc lại rằng Biển Đông là vùng biển thuộc sở hữu của mình từ thời xưa, là lãnh thổ không thể thiếu như là "ao nhà". Trung Quốc thể hiện quyết tâm kiểm soát Biển Đông, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Theo chuyên gia Kazianis, "tuyên bố này của Trung Quốc rất nguy hiểm".

Giới phân tích cho rằng, phán quyết của PCA có thể khiến căng thẳng leo thang trong một khu vực vốn đã có nhiều biến động, đặc biệt nếu phán quyết gây ra một phản ứng thách thức từ Trung Quốc. 

 

Quân đội Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật tại các vùng biển tranh chấp trước ngày PCA ra phán quyết và tuyên bố rằng phán quyết của tòa sẽ "làm xói mòn hòa bình".

"Việc tăng cường hoạt động và hiện diện quân sự của nhiều quốc gia đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực", ông Shrimp nhận định. 

Giới chức Mỹ từng bày tỏ quan ngại trước việc phán quyết này có thể khiến Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013.

Nên đọc
NM (Theo CNN)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo