Biện pháp mạnh Nga, Trung Quốc dùng để "nắn gân" Mỹ, Triều Tiên
Theo News Week, 2 cựu quan chức quân sự đã nhận định rằng, Trung Quốc và Nga có thể đang chuẩn bị cho kế hoạch tấn công các lực lượng Mỹ một khi chính quyền Trump phát lệnh tấn công bất ngờ nhằm vào Triều Tiên, đẩy toàn bộ khu vực tới kịch bản chiến tranh thảm khốc.
Là một phần trong các cuộc tập trận mang tên An ninh Không phận 2017, Không quân Trung Quốc và Nga đã tham gia diễn tập để chuẩn bị cho các cuộc tấn công tên lửa hành trình và đạn đạo. Ngoài ra, lực lượng không quân 2 nước cũng được huấn luyện lập kế hoạch tác chiến, phối hợp và chỉ huy tác chiến cũng như các hoạt động chống tên lửa khác.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh: "Các cuộc tập trận tập trung vào cách đối phó với bất kỳ cuộc tấn công đột ngột và khiêu khích nào bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình vào lãnh thổ hai nước".
Các cuộc tập trận vừa kết thúc cuối tuần trước được cho là không chỉ phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Nga mà còn nhằm gửi thông điệp rắn tới Mỹ lẫn Triều Tiên rằng, họ nên thận trọng để tránh xảy ra xung đột quân sự trong khu vực - điều mà Bắc Kinh và Moscow không cho phép.
Chuyên gia quân sự Song Zhongping, cựu thành viên thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc nhận định rằng, quân đội của Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tấn công các lực lượng Mỹ nếu các lực lượng này đặt ra đe dọa đối với an ninh Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng, ông Song bình luận rằng, việc Không quân Trung Quốc và Nga gần đây cùng tham gia một cuộc tập trận chống tên lửa công nghệ cao ở Bắc Kinh trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên An ninh Không phận 2017 có thể được xem là nỗ lực chung của 2 cường quốc này để "nắn gân" không chỉ Mỹ mà còn cả Triều Tiên.
Theo chuyên gia này, việc Không quân Trung Quốc và Nga bắn hạ các tên lửa tấn công bất ngờ trong khi tập trận có thể xem là đòn cảnh cáo dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Mục tiêu chính của cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga là Mỹ, nước sở hữu cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình có thể gây ra mối đe dọa lớn cho cả Bắc Kinh và Moscow. Động thái này cũng nhằm gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng. Cả Trung Quốc và Nga đều muốn sử dụng những cuộc tập trận chống tên lửa này cho mục đích ngăn chặn chiến lược", ông Song nhấn mạnh.
Trung Quốc và Nga, cũng như Mỹ, đều lên án kho vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bất chấp Bình Nhưỡng lập luận rằng, họ cần những vũ khí như vậy để chống lại những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền Kim Jong-un.
Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Moscow đều phản đối mạnh mẽ việc quân đội Mỹ mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai cường quốc này cũng kịch liệt phản đối việc Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) trong khu vực.
Mặc dù Lầu Năm góc lập luận rằng việc triển khai THAAD là cần thiết để bảo vệ các đồng minh của Mỹ khỏi một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên nhưng Trung Quốc và Nga tin rằng, sự hiện diện của THAAD sẽ đe dọa an ninh quốc gia của họ.
Ngoài ra, khi căng thẳng Triều Tiên leo thang đỉnh điểm, Tổng thống Trump đã gửi nhiều tài sản quân sự hơn tới bán đảo Triều Tiên đồng thời cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận trong khu vực căng thẳng, khiến Trung Quốc và Nga càng thêm tức giận.
Theo đó, Trung Quốc và Nga đã sử dụng biện pháp tương tự, tiến hành các cuộc tập trận chung gần Triều Tiên nhằm đáp lại các động thái từ Mỹ.
"Họ muốn ép Mỹ phải rút hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD khỏi bán đảo Triều Tiên để hạ nhiệt căng thẳng", ông Song nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo