Biến trấu, gạo... thành thuốc lá xuất khẩu để chiếm đoạt thuế
Hôm qua (5.11), Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết đã bắt tạm giam Nguyễn Tiến Lộc (52 tuổi, ngụ Q.10), Lê Hà (56 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, đều là cán bộ hải quan của Cục Hải quan TP.HCM); Nguyễn Thanh Lâm (45 tuổi, ngụ An Giang, cán bộ hải quan của Cục Hải quan An Giang) và Huỳnh Dũng Tấn (52 tuổi, ngụ Q.3, nguyên cửa hàng trưởng cửa hàng số 36 thuộc Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn - viết tắt Infoodco) để điều tra.
Theo thông tin từ công an, năm 2011, một tổ chức tội phạm trong nước câu kết với người nước ngoài mở công ty ở Campuchia giao dịch mua bán giả tạo với Infoodco, xuất hàng hóa trị giá thấp nhưng khai báo trị giá cao nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Liên quan đến vụ này, PC46 đã bắt Lê Dũng (nguyên Giám đốc Infoodco; vốn điều lệ ghi 30 tỉ đồng, trong đó 51% của nhà nước), Trần Thị Bích Tuyền, Nguyễn Ngọc Mẫn, Hứa Châu, Lâm Tuấn Phát, Lê Tiến Cường…
Năm 2011, Tuyền đến gặp Lê Dũng đặt vấn đề nhờ Infoodco đứng ra xuất hàng giả tạo qua Campuchia để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT và được Dũng đồng ý. Theo thỏa thuận, Infoodco sẽ được hưởng 25% tổng số tiền thuế GTGT. Từ tháng 2.2011 - 11.2012, Infoodco đã ký 69 hợp đồng mua hàng trong nước với giá trị hàng hóa hơn 892 tỉ đồng (thuế GTGT hơn 81 tỉ đồng - đã được hoàn thuế) để xuất khẩu. Các lô hàng này xuất qua Campuchia với “mác” thuốc lá nhưng thực tế là trấu, mì gói, gạo... Cuối tháng 9.2013, lực lượng kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam của Tổng cục Hải quan phát hiện tờ khai ngày 20.9.2013 của Infoodco xuất 2 container chứa 3.000 thùng thuốc lá, trị giá hơn 23,6 tỉ đồng nhưng kiểm tra thấy toàn là gạo (20.000 kg). Biết bị lộ, Tô Nguyễn Trung Hiếu (đang bị truy nã) chở 2 container chứa thuốc lá định đánh tráo 2 container gạo nói trên nhưng không thực hiện được.
Cơ quan điều tra cho biết, để thực hiện trót lọt các phi vụ làm ăn gian dối nói trên, Tuyền, Mẫn đã móc nối được với Lộc. Theo giao kèo giữa 2 bên, Mẫn sẽ chi 20% tiền thuế GTGT của lô hàng cho Lộc với điều kiện Lộc chịu trách nhiệm kiểm hóa khi những tờ khai xuất khẩu hàng hóa do lãnh đạo Chi cục Hải quan phê duyệt kiểm tra hàng theo tỷ lệ (5 - 10%); trường hợp tờ khai được phân luồng xanh (không phải kiểm tra), Mẫn vẫn phải chi 20% tiền thuế GTGT của lô hàng như giao kèo. Tổng số tiền Mẫn khai chi cho Lộc để làm thủ tục xuất khẩu trót lọt 16 bộ tờ khai hàng hóa là hơn 10 tỉ đồng, nhưng Lộc chưa thừa nhận. Theo cơ quan điều tra, Lộc được phân công kiểm hóa 5 tờ khai xuất khẩu 7 container hàng (theo chỉ đạo phải kiểm hóa từ 5 - 10%) nhưng đã bỏ qua không thực hiện. Các cán bộ hải quan bị bắt khác cũng đã có những hành vi vi phạm tương tự.
Ngoài số tiền hơn 81 tỉ đồng đã được hoàn thuế (từ năm 2011 - 2012) chia nhau tiêu xài, từ tháng 12.2012 đến cuối năm 2013, Lê Dũng còn ký 127 bộ hồ sơ xuất khẩu cho Tuyền trị giá hàng trăm tỉ đồng, trong đó có hơn 45 tỉ đồng tiền thuế GTGT. Dù chưa được hoàn thuế nhưng Dũng đã chuyển trước cho Châu hơn 34 tỉ đồng và số tiền này không thu hồi được.
Ngoài ra, theo lời khai của một số người liên quan, sau khi vụ việc bị bại lộ, Lê Dũng đã phát hiện có 58 tờ khai hải quan của Infoodco thực hiện tại cửa khẩu Khánh Bình (An Giang) nhưng trên tờ khai lại ghi tại TP.HCM. Để hợp thức hóa sai phạm, Tuyền đưa cho Hiếu 200 triệu đồng; sau đó Hiếu, Cường, Tấn hẹn gặp đưa cho Lâm tại một nhà hàng ở Q.3.
Theo Thanh niên Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo