Biết IPO không nổi vẫn làm vì “bị ép”
Cổ phiếu mang đến, lại mang về
Phát “pháo xịt” đầu tiên trong đợt IPO được tổ chức khá rầm rộ của các doanh nghiệp ngành giao thông - vận tải (GTVT) thuộc về Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự - công ty con của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor).
Cụ thể, trong đợt IPO 2,11 triệu cổ phiếu của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự - đơn vị chuyên về lắp ráp xe ô tô khách hôm 27/1/2014, chỉ có 2 nhà đầu tư đặt mua với số lượng 100.000 cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).
Nếu cộng với khoảng 34.000 cổ phiếu ưu đãi bán cho người lao động bị từ chối mua, tổng lượng cổ phiếu không bán được của đơn vị này lên tới 2,012 triệu cổ phiếu. Trước đó, theo quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự của Bộ GTVT, doanh nghiệp sẽ có số vốn điều lệ 106,8 tỷ đồng (tương đương 10,68 triệu cổ phiếu). Trong cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước sẽ nắm giữ hơn 7,8 triệu cổ phiếu; người lao động nắm 0,2 triệu cổ phiếu và bán đấu giá công khai 2,67 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, với kết quả IPO thảm hại như trên, phần vốn nhà nước tại đơn vị này sẽ lên tới 92% vốn điều lệ.
Tình trạng ế nặng cổ phiếu cũng diễn ra với cả các tổng công ty 90 thuộc Bộ GTVT, như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6); Tổng công ty Vận tải thủy…
Mặc dù có kết quả đấu giá khá hơn, nhưng số cổ phiếu bán được qua đấu giá của Cienco5 chỉ đạt 13,47% lượng cổ phiếu tung ra đấu giá với giá đấu thành công bình quân 10.025 đồng/cổ phần.
Thất bại nặng nề nhất trong đợt IPO vừa qua thuộc về Công ty TNHH một thành viên Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa. Doanh nghiệp này đưa ra bán đấu giá 2,5 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ bán được 24.200 cổ phiếu, thu về 242 triệu đồng.
Như vậy, tính đến ngày 26/3/2014, đã có tới 5/9 đợt IPO của các doanh nghiệp lớn ngành giao thông cho kết quả không như kỳ vọng. Ba đợt IPO thành công của các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đều thuộc về lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong đó Cienco1 bán được 16,183 triệu cổ phiếu/16,183 triệu cổ phiếu chào bán; Tổng công ty Xây dựng Thăng Long bán được 12,3 triệu/12,3 triệu cổ phiếu chào bán; Cienco4 bán được 16,1 triệu cổ phiếu/16,1 triệu cổ phiếu chào bán...
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, Vụ đang tiến hành tổng hợp kết quả đấu giá và đề xuất hướng xử lý lên lãnh đạo Bộ trước ngày 28/3/2014, nên không thể đưa ra bình luận gì.
Tuy nhiên, nếu không tiếp tục chào bán thêm, tại 4 doanh nghiệp nói trên, Nhà nước vẫn sẽ phải nắm 70 - 90% cơ cấu vốn dù không tất cả đều không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối.
Ông Phạm Ngọc Đích, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Vận tải thủy cho biết, kết quả đấu giá này là thành công bước đầu trong kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty. Ngày 23/4 tới, Tổng công ty sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông và thỏa thuận với nhà đầu tư để tiếp tục bán cổ phần còn lại ra công chúng và cố gắng hoàn thành kế hoạch bán cổ phần trong năm 2015.
Thất bại được báo trước?
Có một điểm chung nhất khi doanh nghiệp IPO thất bại chính là việc họ gần như không kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược tham gia quá trình cổ phần hóa.
Nói gần như là bởi, ngoài Cienco5 giới thiệu duy nhất một nhà đầu tư (mua 30% vốn điều lệ), danh sách cổ đông chiến lược của 4 đơn vị còn lại đều bỏ trống.
“Chúng tôi đã rất tích cực chào mời. Ngoài tỷ suất lợi nhuận thấp, các đối tác truyền thống như sản xuất xi măng, phân đạm, nhiệt điện đều là các doanh nghiệp nhà nước bị trói bởi điều khoản không được đầu tư ngoài ngành”, ông Đích lý giải.
Cần phải nói thêm rằng, tại cuộc họp báo trước IPO, ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco5 đã vẽ ra một viễn cảnh khá tươi sáng sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động: lợi nhuận 88 tỷ đồng khi kết thúc năm 2014 và tăng lên 254 tỷ đồng sau 2 năm. Cũng trong thời gian này, tỷ lệ chi trả cổ tức được Cienco5 dự kiến lần lượt là 10% và 15%.
Kết quả này là đánh giá chân thực nhất của thị trường tài chính về tiềm năng cổ phiếu của đơn vị xây dựng cầu đường, nhưng lại từng rất nổi trong lĩnh vực bất động sản. Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cho biết, chỉ với một vài hợp đồng trúng thầu xây dựng đường cao tốc, mở rộng Quốc lộ 1 trong vai trò là thành viên liên danh, Cienco5 rất khó thổi được lợi nhuận từ mức 5,2 tỷ đồng năm 2012 lên thành 88 tỷ đồng vào năm 2014.
Mặc dù là công ty có tiếng trong ngành, nhưng lợi nhuận của Cienco6 khá thấp, chỉ đạt trên 10 tỷ đồng từ năm 2010-2013. Kế hoạch lợi nhuận/vốn điều lệ của Công ty trong năm những năm tiếp theo dưới 10%. Đây là điểm yếu của Cienco6 trong mắt nhà đầu tư, nên cổ phiếu của Công ty bị ế nặng là điều dễ hiểu.
Ngoài sức hấp dẫn chưa cao, quá trình chuẩn bị IPO của một số doanh nghiệp được cho là cập rập đến mức, nhiều đơn vị khi tiến hành làm thủ tục đấu giá cổ phiếu mới vội vàng xây dựng website để hoàn thiện thủ tục (Tổng công ty Vận tải thủy), hoặc có nhưng thông tin hết sức sơ sài (Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự)…
“Dường như cổ phần hóa, tìm kiếm nhà đầu tư chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân của lãnh đạo các đơn vị”, một nhà đầu tư chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)