Quốc tế

Biểu tình chống thất nghiệp ở 80 nước

Ngày cuối tuần 12/5 ở châu Âu đã trở thành ngày biểu tình sôi động nhân dịp kỷ niệm một năm bùng nổ phong trào Indignados (Những người phẫn nộ).

Phong trào Indignados còn gọi là phong trào 15-M bắt đầu tại 58 thành phố ở Tây Ban Nha vào ngày 15/5/2011. Làn sóng biểu tình tố cáo tham nhũng, khủng hoảng và thất nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

 

Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, ngày 12/5 (giờ địa phương) năm nay, tại Tây Ban Nha, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại khoảng 80 thành phố.

 

Họ mang theo các biểu ngữ ghi “Nợ của các ông, chúng tôi không trả”, “Chúng tôi không phải là hàng hóa trong tay các nhà chính trị và chủ ngân hàng” hoặc đơn giản chỉ một từ “Không” bên cạnh hình vẽ cây kéo ám chỉ chính sách cắt giảm ngân sách y tế, giáo dục.

 

Tại thủ đô Madrid có 30.000 người biểu tình. Bất chấp lệnh cấm biểu tình sau 22 giờ, hàng ngàn người dựng lều qua đêm trên quảng trường Puerta Del Sol ở trung tâm thủ đô. Đến nửa đêm, những người biểu tình nắm tay đưa lên trời để ra 1 phút mặc niệm, sau đó hô vang khẩu hiệu “Vâng, chúng ta có thể!”.

 

 

Cảnh sát giải tán người biểu tình ở London (Anh). Ảnh: REUTERS

 

 

 

Xe cảnh sát chống bạo động bao vây ở các con đường lân cận. Sáng 13/5, 18 người bị bắt vì ngủ qua đêm tại quảng trường Puerta del Sol. Tại Barcelona có 45.000 người biểu tình. Tại Bồ Đào Nha, biểu tình cũng đã diễn ra ở nhiều thành phố. Suy thoái đang ngày càng trầm trọng ở Bồ Đào Nha. Thất nghiệp đã vượt mức 15% trong tổng số người trong độ tuổi lao động.

 

Riêng tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã lên đến 35% sau khi chính phủ ban bố các chính sách thắt lưng buộc bụng để nhận gói giải cứu đặc biệt 78 tỉ euro của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 5/2011.

 

Tại London (Anh), báo L’Humanité (Pháp) ghi nhận khoảng 300 người thuộc phong trào Chiếm London đã tụ tập bên nhà thờ chánh tòa St-Paul. 11 người bị bắt trong xung đột với cảnh sát.

 

Tại Đức, những người biểu tình tập trung trước Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt, biểu tượng cho quyền lực của đồng tiền và bộ ba gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

 

Tại Brussels (Bỉ), 700 người biểu tình tố cáo các biện pháp giải quyết khủng hoảng tài chính-kinh tế của giới tài chính quốc tế và các nhà chính trị. Những người biểu tình đã tuần hành qua trụ sở các định chế tài chính lớn.

 

Biểu tình trong ngày 12/5 cũng đã diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang đối phó với tỉ lệ thất nghiệp gia tăng như Athens (Hy Lạp), New York (Mỹ).

 

Ý đang lo ngại làn sóng bạo lực cực đoan trong những năm 1970-1980 quay trở lại để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng và tăng thuế. Trong vài tháng nay, các tổ chức cực đoan đã gửi bom thư đến nhiều cơ quan thuế, dán tờ rơi hăm dọa, đe dọa chiếm Tập đoàn Finmeccanica. Vụ gần nhất xảy ra vào ngày 12/5. Văn phòng cơ quan thuế ở TP Livorno bị ném hai chai bom xăng.

 

 

Theo Pháp luật TP.HCM

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo