Quốc tế

Bình Nhưỡng lắp đặt tên lửa

Bình Nhưỡng đã di chuyển bộ phận chính tên lửa tầm xa và bắt đầu lắp đặt để phóng vệ tinh dân sự ngày 16-4. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực này.

 “Giới quân sự Hàn Quốc và Mỹ đã báo động việc Bình Nhưỡng đã vận chuyển bộ phận chính của một tên lửa tầm xa và bắt đầu lắp đặt” - AFP dẫn lời một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố, nhưng không cho biết chi tiết.

 

Đài truyền hình Nhật Bản Fuji cho biết các phần của tên lửa đã được vận chuyển bằng tàu lửa để lắp đặt vào bệ phóng ở cơ sở Dongchang-ri, quận Cholsan thuộc tỉnh phía bắc Pyongan. Bình Nhưỡng đã loan báo ý định sẽ phóng một vệ tinh quan sát vào ngày 16-4, một hành động bị Mỹ và các đồng minh xem là một giai đoạn mới để phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

 

Việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, cho dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, song sẽ trở thành trọng tâm của hội nghị an ninh hạt nhân quốc tế quy tụ đại diện của 53 quốc gia được khai mạc hôm nay tại Seoul với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Obama cùng hai nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc.

 

Quyết ngăn cản Bình Nhưỡng đến cùng

Tổng thống Mỹ Obama đã đến vùng phi quân sự (DMZ), một dải đất dài 248km phân chia bán đảo Triều Tiên thành hai miền kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ngay khi máy bay đưa ông đến Hàn Quốc ngày 25-3, một ngày trước khi diễn ra Hội nghi an ninh hạt nhân quốc tế.

 

Ở phía Bắc, như AFP mô tả, đang treo một lá cờ rũ rất lớn để đánh dấu ngày thứ 100 cái chết của lãnh tụ Kim Jong Il, người đã lãnh đạo CHDCND Triều Tiên trong 17 năm trước khi bị đau tim vào tháng 12. Con trai ông là Kim Jong Un đã lên thay.

 

Sau tấm kính chống đạn, bằng ống nhòm cực mạnh, ông Obama đã có thể quan sát những kilômet đầu tiên của lãnh thổ phía Bắc Triều Tiên, trước khi quay lại Seoul để hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak.

 

Theo Nhà Trắng, chuyến thăm của ông Obama nhằm cho thấy “sự hỗ trợ của Mỹ đối với Hàn Quốc”, và như một thông điệp cho thấy Washington và Seoul đang đứng cùng một chiến tuyến. Sự có mặt này sẽ làm tăng nhiệt độ cho sức nóng vốn đang gây căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên cùng các nước ven bờ, như Nhật Bản từ sau khi Bình Nhưỡng loan báo bắn tên lửa.

 

Yonhap dẫn lời Tổng thống Lee Myung Bak cho biết Mỹ và Hàn Quốc sẽ phản ứng kiên quyết đối với bất kỳ khiêu khích nào từ phía CHDCND Triều Tiên. Hai bên cũng đã nhất trí việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã phá vỡ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cũng như cam kết giữa Washington và Bình Nhưỡng.

 

Tổng thống Obama cảnh báo Washington và Seoul quyết ngăn chặn đến cùng “hành vi xấu” của Bình Nhưỡng và nếu nước này vẫn tiếp tục phóng tên lửa thì đó sẽ là tự dìm mình vào cảnh cô lập.

 

“Bắc Triều Tiên sẽ không đạt được gì từ những đe dọa hay khiêu khích nào của họ” - ông Obama cảnh báo trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak chiều 25-3 tại Seoul.

Tổng thống Obama cho biết sẽ vận động lãnh đạo các nước Nga và Trung Quốc gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phải ngừng phóng tên lửa.

 

Củng cố quyền lực cho Kim Jong Un

 

CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị cho một loạt sự kiện vào tháng 4-2012 nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

 

Phiên họp của Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên (SPA) sẽ diễn ra ngày 13-4, ở đó tân lãnh đạo Kim Jong Un sẽ chính thức tiếp nhận một trong số những vị trí cao nhất trong chính quyền nhằm giúp ông củng cố quyền lực. SPA là cơ quan có quyền lực cao nhất nắm giữ quyền lập pháp. SPA có thẩm quyền chính thức trong việc bổ nhiệm người đứng đầu Ủy ban Quân ủy Trung ương - cơ quan quân sự tối cao của CHDCND Triều Tiên.

 

Ngoài ra, cũng vào giữa tháng 4, Đảng Lao động Triều Tiên sẽ tiến hành đại hội. Trong đại hội này, tân lãnh đạo Kim Jong Un cũng sẽ chính thức được bầu làm Tổng bí thư của đảng.

 

Trong những sự kiện quan trọng của CHDCND Triều Tiên diễn ra vào tháng 4-2012, việc phóng tên lửa tầm xa được xem là nhằm củng cố quyền lực cho lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

 

Báo Hankyoreh của Hàn Quốc cho rằng việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh là “là một thông điệp gửi cho nhân dân nước mình hơn là một sự khiêu khích nhắm đến cộng đồng quốc tế.” Theo báo này, Bình Nhưỡng từng sử dụng biện pháp “được ăn cả ngả về không” vào những năm 1998, 2006 và 2009 khi quan hệ với Washington bị bế tắc. Bởi vậy, sử dụng biện pháp này vào lúc này càng gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi mà Bình Nhưỡng và Wasington đã bắt đầu đối thoại được với nhau, bằng chứng là ngày 29-2 hai nước đã có thỏa thuận (CHDCND Triều Tiên ngừng các hoạt động hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực của Mỹ).

 

Báo này kết luận: “Việc phóng vệ tinh lần này chủ yếu là nhằm lên dây cót cho tinh thần tự hào của người dân[...]. Xem ra lần này Bình Nhưỡng đang ưu tiên cho những yêu cầu trong nước hơn là cải thiện quan hệ với Washington”.

 

Theo Tuổi trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo