Quốc tế

Bình Nhưỡng nạp nhiên liệu cho tên lửa

CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu bơm nhiên liệu lỏng vào các bình chứa của tên lửa được dự kiến phóng đi giữa tháng 4, báo Tokyo Shimbun dẫn một nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng khẳng định ngày 29-3.

 “Việc phóng tên lửa đang gần kề. Có khả năng ngày phóng đã được ấn định là 12 hoặc 13-4” - báo này nêu rõ.

 

Tại Seoul, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc không muốn đưa ra bất kỳ lời bình luận nào vào lúc này. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Byung Jae nói Seoul hiện không thể xác nhận thông tin trên, vì đó là một vấn đề thuộc lĩnh vực tình báo, dù chính Seoul cho biết Bình Nhưỡng đã chuyển tên lửa đến bệ phóng ở vùng tây bắc của nước này.

 

Vào giữa tháng 3, Bình Nhưỡng loan báo sẽ phóng một vệ tinh quan sát trong thời gian từ ngày 12 đến 16-4, nhưng Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, đều xem đó là một vụ phóng tên lửa tầm xa trá hình và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng lại.

 

Bất chấp yêu cầu này, ngày 27-3 Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố sẽ “không bao giờ” từ bỏ quyền phóng vệ tinh hòa bình của mình.

 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 29-3 thông báo nước này cùng với Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị ngoại trưởng ba bên để thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hội nghị diễn ra ngày 8-4 tại thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), miền đông Trung Quốc.

Kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng không phải chủ đề chính thức trong chương trình nghị sự, song nhiều khả năng sẽ được đưa ra bàn thảo trong các cuộc gặp song phương.

Tối 28-3, Hãng tin KCNA của CHDCND Triều Tiên tiếp tục khẳng định việc phóng vệ tinh sẽ cho phép họ đánh giá mật độ rừng và các nguồn tài nguyên hiện hữu của mình cũng như cung cấp các thông tin về thời tiết.

 

KCNA còn dẫn lời một quan chức thuộc Ủy ban Kỹ thuật không gian Triều Tiên mô tả vệ tinh chuẩn bị phóng nặng 100kg và sẽ được đưa lên quỹ đạo cách Trái đất 500km trong thời gian hai năm.

 

Bình Nhưỡng cũng mời các chuyên gia không gian và báo chí nước ngoài đến chứng kiến vụ phóng vệ tinh nhằm “chứng tỏ bản chất hòa bình của việc phóng vệ tinh khoa học một cách minh bạch” như KCNA khẳng định.

 

Tuy nhiên, Mỹ đã quyết định ngừng chương trình viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Bình Nhưỡng do nước này đã phá vỡ cam kết được thống nhất vào tháng 2-2012 là ngừng phóng tên lửa đạn đạo và các chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực.

 

“Thỏa thuận công khai cấm Bình Nhưỡng phóng tên lửa và chúng tôi đã nêu rõ phóng vệ tinh sẽ được xem là phóng tên lửa do sử dụng cùng một loại công nghệ” - ông Peter Lavoy, trợ lý quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, giải thích.

 

Hàn Quốc và Nhật Bản đã cảnh báo sẽ bắn hạ tên lửa của Bình Nhưỡng nếu nó đe dọa đến lãnh thổ của mình. Philippines cũng quan ngại những mảnh vỡ của tên lửa này sẽ rơi xuống khu vực các đảo Luzon của mình khoảng 180km.

 

“Quan ngại lớn nhất của chúng tôi là những mảnh vỡ của tên lửa. Nếu nó nổ trên không, toàn bộ mảnh vỡ kim loại của nó sẽ rơi xuống đâu? Chúng tôi muốn biết để có thể cảnh báo tất cả người dân của chúng tôi ở khu vực bị ảnh hưởng” - Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói.


Theo Tuổi trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo