Xã hội

Bình Thuận kiến nghị không nhận chìm xuống biển Vĩnh Tân​

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh này đã có nhiều văn bản gửi một số cơ quan trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị nên dừng việc nhận chìm chất nạo vét xuống biển Vĩnh Tân​.

Chiều 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo về tình hình 6 tháng đầu năm, trong đó có đề cập việc cho phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, theo tin tức trên báo NLĐ.

Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh này đã có nhiều văn bản gửi một số cơ quan trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) kiến nghị nên dừng việc nhận chìm chất nạo vét nói trên. Qua tham khảo ý kiến giới chuyên môn, tỉnh nhận thấy có nhiều phương án để xử lý số lượng chất nạo vét.

"Phương án được ưu tiên nhất là dùng để lấn biển ở những khu vực dân cư bị sạt lở do triều cường, bằng cách xây kè bê-tông rồi đổ bùn cát vào trong. Thậm chí, tỉnh còn đề nghị xuất khẩu số cát bùn nhiễm mặn này để thu ngân sách, để không gây ô nhiễm môi trường biển" - ông Hòa nói và cho biết có một tổ chức gửi đơn yêu cầu Bộ TNMT rút giấy phép nhận chìm đã cấp cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, nếu không sẽ khởi kiện bộ này.

Vùng biển Vĩnh Tân. Ảnh: NLĐ.

Về việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã đưa màn chắn, phao quây ra vị trí nhận chìm, ông Hòa nói trước khi triển khai, công ty phải có quyết định giao mặt biển và hiện chưa được giao, nếu làm là không đúng.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, khi dư luận "lên tiếng" việc Bộ TNMT cấp phép nhận chìm, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản gửi các cơ quan trung ương cân nhắc kỹ việc này. Quan điểm của Bình Thuận là nên dừng việc nhận chìm, tìm giải pháp khác hợp lý hơn.

Trước đó, Bộ TNMT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, theo tin tức trên báo VTC News.

Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.

Bộ TNMT cũng cho biết kết quả đánh giá tác động môi trường đã được xem xét và báo cáo đầy đủ dựa trên chứng cứ khoa học của nhiều chuyên gia.

 

Tuy nhiên, ngay sau thông tin trên được công bố, niều nhà khoa học khẳng định không hề tham gia thẩm định dự án nhận chìm gần triệu m3 bùn của Nhiệt điện Vĩnh Tân, mà đã bị mạo danh khi đơn vị thẩm định đưa tên vào danh sách.

Ngày 22/7, Bộ Công Thương phát đi thông cáo báo chí cho biết đã đình chỉ công tác ông Hà Quốc Quân, hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ của Viện nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Ông Hà Quốc Quân kiêm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng biển Việt Nam chính là người đứng đầu đơn vị đã tư vấn cho dự án nhận chìm xuống biển bùn thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nói trên.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo NLĐ, VTC News)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo