Bình Thuận nỗ lực hồi sinh vùng đất bị sa mạc hóa
Dự hội thảo có đại diện Tổ chức Công ước Liên hợp quốc chống sa mạc hóa, các bộ, ngành trung ương, địa phương và hai đoàn cán bộ chống sa mạc hóa đến từ Malaysia và Campuchia.
UNCCD nhận định tình trạng biến đổi khí hậu rất đáng lo ngại đối với loài người. Theo đó, cuối thế kỷ 21, nhiệt độ sẽ tăng thêm 2 độ C, nước biển tăng lên 1m. Việc nước biển dâng được cảnh báo gây thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là do hiện tượng sa mạc hóa, phá rừng, nguồn nước ngầm cạn kiệt, biển lở…
Thực trạng sa mạc hóa tại Bình Thuận
Bình Thuận nằm trong khu vực có khí hậu khô hạn nhất cả nước, nhiệt độ trung bình năm cao trên 27 độ C; lượng mưa trung bình năm thấp nhất trong cả nước với khoảng 600mm, có năm chỉ đạt 200-250mm. Lượng nước bốc hơi cao gấp hai lần lượng mưa (P<2T) đi kèm với đặc điểm nổi bật là đất cát và đồi cát ven biển chiếm khoảng 125.000ha nằm dọc theo bờ biển (khoảng 16% diện tích tự nhiên). Bình Thuận có gió trong mùa khô rất mạnh từ tháng 10 đến tháng Tư năm sau đã tạo điều kiện hình thành diện tích đất hoang mạc hóa trên 35.000ha trải dọc gần 50km bờ biển.
Ông Mai Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Bình Thuận hiện có 89.995ha diện tích đất bị hoang mạc hóa (chiếm 11,5% tổng diện tích đất trên toàn tỉnh). Tình hình sa mạc hóa ngày càng trầm trọng hơn ở các huyện ven biển. Đáng lo ngại là tốc độ thoái hóa đất diễn ra tốc độ ngày càng nhanh, đặc biệt là tại các vùng trọng điểm khô hạn của tỉnh như Chí Công, Bình Thạnh, Khu Lê Hồng Phong.
Diện tích đất tại Bình Thuận bị hoang mạc hóa với tốc độ ngày càng nhanh, một phần nguyên nhân được lý giải là do vùng đất cát ven biển được hình thành từ nhiều thời kỳ, đang bị thoái hóa nặng và trở thành “đất chết” do gió biển và khai thác nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất. Độ che phủ nghèo nàn trong khi bề mặt là bãi cát, chính điều này khi vào mùa khô tình trạng cát bay xuất hiện tạo thành những đồi cát di động làm tốc độ hoang mạc hóa nhanh hơn. Những đồi cát được hình thành do tác động từ gió có thể đạt đến hàng nghìn hécta và cao đến 40-50m, sau đó lượng cát này dể dàng sụt xuống phía sườn dốc chuyển dịch dần từ vị trí bờ biển vào trong nội địa.
Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê, bò theo hình thức thả tự do đã làm suy giảm đồng cỏ và tăng nhanh quá trình xói mòn trong vùng.
Hệ lụy từ sa mạc hóa
Với những vùng đất bị hoang mạc, khi gió mạnh tác động thường xuyên sẽ tạo nên những cơn bão cát dữ dội, di chuyển cát từ ven biển vào đe dọa chôn vùi làng mạc, ruộng đồng, phủ lấp Quốc lộ 1A trên phạm vi rộng hàng ngàn hécta. Nghiêm trọng nhất là khu vực cát di động tại Chí Công, Liên Hương, Bình Thạnh đe dọa hủy diệt những tiềm năng to lớn của nền sản xuất khu vực, đặc biệt là sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả giá trị như bông vải, mía đường, nho.
Ông Dương Văn Lãng - Chi cục trưởng Chi cục Lâm Nghiệp tỉnh, cho biết sa mạc hóa liên quan vấn đề sống còn hiện nay, bởi tính đa dạng hóa của đất không còn. Ông dẫn chứng ngày xưa khu Lê (Bắc Bình) đất tốt, hoa màu phong phú đa dạng, động vật còn rừng trú ẩn, sau mấy chục năm sự thay đổi khá rõ. Hiện nay không còn cây rừng, nguồn nước không có thì động thực vật nào sinh sống được.
Nước được xem là yếu tố sống còn trong việc đối đầu với sa mạc hóa, có nước sẽ giải quyết được nhiều việc. Do thiếu hệ thống rừng vành đai chắn gió nên việc di chuyển dễ dàng của cát đã tràn lấp lên những khu vực canh tác, khu dân cư tập trung hoặc tạo nên những cồn cát mới… Những tác động trên đã làm người dân trong vùng ven biển lâm vào cảnh kinh tế khó khăn do không đủ điều kiện nước tưới để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… Tác động biến đổi khí hậu, hạn hán đã gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất lâm nghiệp, làm thiệt hại hàng trăm hécta rừng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết sa mạc hóa đã tác động tiêu cực đến nguồn nước, đất và hệ sinh thái. Chất lượng nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm có sự suy thoái rõ rệt trong 30 năm qua, hệ sinh thái không còn phong phú như những năm trước đây. Hậu quả thoái hóa đất làm đất rừng bị rửa trôi, khó khôi phục được rừng, thậm chí có nhiều vùng không thể khôi phục được.
Nỗ lực “hồi sinh” vùng đất chết
Với những vùng đất bị hoang mạc hóa, có thể xem như là “đất chết” bởi không một loại cây nào có thể sống nếu không có sự giúp sức của con người. Với những nỗ lực hồi sinh những vùng đất này, những năm qua Bình Thuận nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp mở rộng diện tích đất sản xuất cho người dân. Màu xanh của rừng trồng, hoa màu đã dần thay thế những cồn cát.
Bằng nguồn vốn trung ương và địa phương, tỉnh đã nỗ lực xây dựng dải rừng phòng hộ ven biển chạy dài từ Tuy Phong đến Hàm Tân với hơn 8.000ha, chủ yếu là cây phi lao, xoan chịu hạn, keo lá liềm… Đây là những loại cây đang phát triển tốt trên đất cát di động và bán di động ven biển. Những dải rừng này bước đầu đã mang lại tác dụng lớn để phòng hộ chắn gió, cải thiện môi trường khu vực, phát triển và ổn định được mùa màng, đảm bảo cuộc sống cho người dân ven biển.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài chống sa mạc hóa được thử nghiệm thành công và được UNCCD đánh giá cao như thu trữ nước mưa trên cát; trồng rừng chống cát bay, tăng độ che phủ; tăng cường công tác phát triển hệ thống thủy lợi; thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững; chuyển giao các biện pháp canh tác hợp lý.
Với những thành công bước đầu của các dự án này đã mở ra một khả năng thực hiện chế ngự sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sẽ biến hàng ngàn hécta “đất chết” thành những khu rừng sinh thái phục vụ du lịch, sản xuất.
Theo các chuyên gia, để các giải pháp chống sa mạc hóa phát huy hiệu quả cao nhất, Nhà nước cần có chính sách hài hòa giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường, đời sống cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh trồng rừng và phát triển mô hình “nông nghiệp trú ẩn” hay “nông-lâm kết hợp”. Nông nghiệp chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với điều kiện khí hậu biến đổi, bằng các giải pháp cơ cấu thời vụ, giống, phương thức canh tác theo hướng sử dụng ít nước.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; ngăn chặn nạn phá rừng cũng phải được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả hơn.
An Nhiên (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo