Thị trường

Bình tĩnh xem xét khó khăn của doanh nghiệp

Trước con số 12.000 doanh nghiệp giải thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng rất chậm ở mức 4,1% và lượng hàng tồn kho tăng tới 34,9% trong quý I, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho rằng, cần phải bình tĩnh xem xét khó khăn của doanh nghiệp.

Quý I. 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,1%, là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ, (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,6%). Ngành công nghiệp khai thác mỏ chỉ tăng 3,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%.

 

Hàng tồn kho tăng 34,9%



Công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính, có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm, như xi măng, sắt thép, sợi và dệt vải, giày dép,  phân bón, xe có động cơ, bàn ghế, giường tủ, đồ uống không cồn, các thiết bị gia đình...



Cục Điều tiết chưa nhận được đề nghị và phương án tăng giá điện của EVN theo quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ. Về cấp điện, năm 2012, tổng lượng điện có thể huy động từ các nhà máy vào khoảng 24.000 MW, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, nếu không có đột biến xảy ra

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương

 

Sản xuất đình đốn, tiêu thụ của nhiều ngành cũng giảm mạnh, nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm rất cao. Đến 1.3, lượng tồn kho phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29,0%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11,0%... Tính chung chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011.



Chưa có phương án tăng giá điện



Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, cho hay nguyên nhân tồn kho cao và tốc độ tăng sản xuất công nghiệp thấp chủ yếu do quý I lượng tiêu thụ ít, kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu. Xây dựng chưa vào vụ cũng khiến một số ngành sản xuất như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng bị giảm sức tiêu thụ. Hơn nữa, giá đầu vào cao, việc tiếp cận vốn và lãi cao của các doanh nghiệp chế biến chế tạo vừa và nhỏ khó, nên buộc họ phải điều chỉnh giảm sản xuất.

 

Theo ông Hòa, Bộ Công thương đã dự báo được điều này và đã đề ra chương trình hành động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, nhằm tăng được sản xuất công nghiệp, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6%.



Nhận định về số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong quý I quá lớn, tại cuộc họp báo chiều 3/4, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho  rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã thấy rõ việc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất cao cộng với chi phí ngoài cao... và đang làm mọi biện pháp để kéo lãi suất xuống.

 

Tại các tỉnh, các Giám đốc Sở Công thương đang tha thiết đề nghị có biện pháp giải cứu doanh nghiệp, vì quá nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Song theo ông Hải, “tuy có đến 12.000 doanh nghiệp chết lâm sàng, giải thể, nhưng số đăng ký mới lại nhiều hơn, nên chúng ta phải bình tĩnh xem xét, tận dụng tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong khó khăn”.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo