Bloomberg dự báo Việt Nam tiếp tục giảm giá đồng nội tệ
Theo số liệu của Bloomberg, trong 2 phiên ngày 12/8 và 13/8, VND giảm lần lượt 0,9% và 0,3%, nâng mức giảm tổng cộng từ đầu năm đến nay lên con số 3,2%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm niêm yết bằng VND do Chính phủ phát hành tăng 6 điểm cơ bản, lên 6,55% với kỳ vọng lạm phát sẽ tăng.
Fiachra MacCana, giám đốc điều hành của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), nhận định từ nay đến cuối năm tỷ giá có thể tăng thêm 1% đến 2%. Chính phủ đang tìm cách bảo vệ đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu vốn đã giảm xuống còn 9,5% trong 7 tháng đầu năm so với mức 14% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó vào cuối năm ngoái Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ chỉ tăng hoặc giảm tỷ giá tổng cộng 2% trong năm 2015. Tuy nhiên tỷ giá đã được tăng 2 lần vào tháng 1 và tháng 5 vừa qua, với mức 1% cho mỗi lần. Còn trước đó, trong 2 năm 2014 và 2013 tỷ giá giảm 1% mỗi năm.
Theo báo cáo nghiên cứu vừa được công bố trong tuần này, ngân hàng ANZ nhận định Việt Nam sẽ phải phá giá VND sâu hơn một chút so với các năm gần đây để tránh làm cạn kiệt kho dự trữ ngoại hối.
Trao đổi với Bloomberg, ông Alan Pham, chuyên gia kinh tế trưởng của quỹ Vinacapital, nhận định động thái nới biên độ vừa qua là một biện pháp thay thế rất hiệu quả cho điều chỉnh tỷ giá. “Nhân hàng Nhà nước muốn giữ lời hứa không phá giá tiền đồng hơn 2% trong năm nay”. Ông bổ sung thêm rằng biên độ có thể một lần nữa được nâng lên mức 3% thay vì nâng tỷ giá.
Giá trái phiếu của Việt Nam niêm yết bằng USD cũng giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu đáo hạn vào năm 2020 tăng 6 điểm cơ bản trong tuần này, lên 4,15%. VND yếu hơn sẽ đẩy tăng chi phí đi vay của Việt Nam.
Barry Weisblatt, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty chứng khoán VPBank, cho rằng đồng nhân dân tệ yếu hơn chắc chắn sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến trái phiếu niêm yết bằng USD của Việt Nam. Sự bất ổn “đang tạo ra xu hướng tháo chạy đến nơi an toàn và do đó đẩy tăng chi phí đi vay của tất cả các nước mới nổi”. Trong khi đó ảnh hưởng lên trái phiếu VND sẽ nhẹ hơn.
Phát biểu hôm qua, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ các biến động trên thị trường trong và ngoài nước cũng như các dự báo về kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ để đưa ra chính sách hợp lý.
Việt Nam là nước nhập khẩu ròng từ Trung Quốc và sẽ được hưởng lợi từ đồng nhân dân tệ yếu đi nếu xét về quan hệ thương mại song phương. Đó là nhận định được Tamara Henderson , chuyên gia kinh tế đến từ Bloomberg Intelligence đưa ra. Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa ở một thị trường thứ ba, khi hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc cạnh tranh hơn.
Chuyên gia Adam McCarty từ Mekong Economics cho rằng nới biên độ có thể khiến thị trường kỳ vọng hơn vào một đợt phá giá khác. “Giảm giá VND là điều tốt cho Việt Nam. Đã đến lúc tăng sức cạnh tranh cho ngành xuất khẩu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển