Môi trường

Bờ biển Thừa Thiên-Huế sạt lở nặng

Trung bình mỗi năm bờ biển Thừa Thiên-Huế sạt lở từ 15-20m. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có biện pháp nào phòng chống hiệu quả.

Tổng chiều dài bờ biển của tỉnh Thừa Thiên-Huế hơn 120 km thì có tới 34km bị sạt lở nặng, năm nào cũng phải di dời dân đến nơi ở mới - theo Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lí đê điều Thừa Thiên-Huế.



Biển tiến, dân lùi



Hiện nay, các địa phương đang phải hứng chịu nặng nề nhất tình trạng xâm thực của nước biển bao gồm: Thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang), Quảng Công-Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (thị xã Hương Trà), Vinh Hiền, Vinh Hải (Phú Lộc), Phong Hải (Phong Điền).



Riêng năm 2011, cửa biển Thuận An là điểm nóng khi nước biển ăn sâu vào đất liền gần 50m. Tại thôn Hải Tiến (Thuận An), An Dương, Phú Thuận, bờ biển bị sạt lở hơn 30m. Riêng tại thôn Thai Dương Hạ Nam (Hải Dương) nằm phía Bắc cửa biển Thuận An, bờ biển bị sạt lở gần 50m và kéo dài hơn 500m. Cánh rừng phòng hộ 20 năm tuổi tại đây đang dần bị xóa sổ, đe dọa đời sống hàng trăm hộ dân. Ông Phan Hạnh (Thôn Thai Dương Hạ Nam, Hải Dương) lo lắng: “Cách đây mấy năm nhà tôi cách bờ biển hơn cả 100m, nhưng giờ biển đã tiến gần sát sân nhà rồi. Ở xung quanh nhà tôi đã di dời gần hết, chắc cũng đến lượt mình thôi”.

 

Đứng trước tình hình đó, các địa phương chỉ biết di dời dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: “Trước đây xã đã tiến hành hai đợt di dời với 191 hộ dân đến các khu tái định cư. Đợt một năm 1999 tiến hành di dời 56 hộ, đợt hai năm 2000-2001 di dời 135 hộ. Hiện đang quy hoạch là 1,6 ha để chuẩn bị di dời đợt ba”.



Tương tự, năm 2011 tại thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An) có 15 hộ phải di dời đến nơi tái định cư. Tại Phú Thuận, năm qua cũng phải di dời khẩn cấp 17 hộ dân. Ông Nguyễn Văn Chường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận cho biết: “Hiện còn 35 hộ tại thôn An Dương thuộc diện phải di dời gấp. Xã cũng chuẩn bị sẵn 20 lô đất tại các khu tái định cư, sẵn sàng di dời dân khi nước biển ăn sâu thêm vào đất liền”.



Loay hoay tìm biện pháp



Thừa Thiên-Huế có chiều dài bờ biển hơn 120km nhưng đến nay vẫn chưa có một hệ thống đê, kè nào để chống sạt lở. Riêng tại cửa biển Thuận An trước đây có xây dựng được bốn mỏ hàn đá, đến nay đa số đã bị nước biển đánh sập. Trong khi đó để chống sạt lở người dân chỉ biết dùng bao cát đắp thành đê nhưng cũng nhanh chóng trôi ra biển.



Theo ông Trần Đức Duy, phó Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lí đê điều Thừa Thiên-Huế cho biết: “Hiện nay có nhiều biện pháp để chóng sạt lở bờ biển, chủ yếu là “mỏ hàn cứng và mỏ hàn mềm”. Nhưng muốn xây dựng một hệ thống đê chống sạt lở không phải chuyện đơn giản. Khi có dự án xây dựng thì phải nghiên cứu dòng hải lưu, tốc độ dòng chảy, hướng gió… Đối với Thừa Thiên-Huế, thời tiết khá phức tạp nên càng khó xây dựng”.



Vào tháng 8/2007, tại Phú Thuận, một loại mỏ hàn mềm, có tên gọi là Stabinplage chống xói lở và xâm thực bờ biển do công ty Espace Pur (Pháp) thi công được đưa vào thử nghiệm với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Nhưng chỉ một năm đã bị sóng biển đánh tan. Đến tháng 7/2010, sáu Stabinplage mới được hoàn thành hiện đang được theo dõi.



Công nghệ Stabinplage hay còn gọi là con lươn chắn cát. Mỗi con lươn có chiều dài 50m vuông góc với bờ biển, cao khoảng 1,5m, trong con lươn được bơm đầy cát. Cấu tạo gồm hai phần, vỏ ngoài có hai lớp làm bằng chất liệu polyester và polypropylene, vỏ trong làm bằng chất polypropylene. Khoảng cách giữa hai con lươn từ 20-30m, tác dụng cản sức đập của sóng vào bờ, không cho các trôi theo các đợt sóng. Tuy nhiên mọi vật liệu đều nhập từ bên Pháp về nên khó áp dụng đại trà. Bảo hành sửa chữa cũng phức tạp khi văn phòng công ty Espace Pur đóng mãi tận TP.HCM.



Theo ông Trần Đức Duy: “Ở cửa biển Thuận An, nếu ta xây một bức tường bê tông, chân móng sâu chắc chắn sẽ có hiệu quả lâu dài, tuy nhiên kinh phí lại rất lớn”. Tuy nhiên, ông Đỗ Nam, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Thừa Thiên-Huế cho biết: “Muốn biết biện pháp nào tối ưu nhất thì phải qua thử nghiệm, nhưng nhiều dự án thí nghiệm đều không có báo cáo kết quả. Vì vậy khó xác định biện pháp nào phù hợp và có hiệu quả lâu dài. Trên thế giới để chống sạt lở thường dùng mỏ hàn bằng đá. Điều quan trọng khi xây dựng phải làm móng thật sâu, không cần rộng”.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo