Bộ cấm giao bài, tối con vẫn học
Sau khi Bộ GD-ĐT nhắc lại việc “không giao bài tập về nhà học sinh tiểu học” nhiều phụ huynh có con học lớp 3,4,5 lại lo định hướng lệch khi chương trình chưa giảm nặng.
Giảm bài tập sách vở, tăng kỹ năng sống
Con chị Kim Ngân đang học ở quận Long Biên (Hà Nội). Theo chị, những bài tập cô giao về nhà thường thuần về kiến thức, mà kiến thức chỉ là một phần trong cuộc sống.
Cho nên chị ủng hộ phương pháp “Thay vì bố mẹ buộc con phải làm những bài tập cô giao, thì nên để con làm những bài tập về kĩ năng sống khác, hoặc làm những bài tập về môn con yêu thích và có khả năng như học vẽ, học võ...
Hồi học lớp 2, bé Thỏ nhà chị bị yếu phần đặt câu và văn miêu tả. Kèm theo đó là hơi kém các kĩ năng vận động. Để con không nặng nề, chị chọn cách học và chơi với con. Cụ thể: Mỗi mẹ con đặt 1 câu về chủ đề nào đó, ai đặt hay hơn thì sẽ được ra điều kiện cho người kia. Tất nhiên là mẹ thắng. Điều kiện cho Thỏ là phải chạy một vòng quanh nhà hay đi lên gác lấy cái này, cái kia….
Theo chị Ngân, cách dạy con như thế giúp con vừa đảm bảo tập thể dục vừa rèn được văn và câu văn.
Có hai con học tiểu học, chị Thu Hương (Linh Đàm, Hà Nội) đúc kết, ở lớp 1, 2 các bé hoàn toàn không cần bài tập về nhà. Thời gian sau giờ học để bé chơi với gia đình sẽ hợp lý hơn.
“Còn trò lớp 3, 4, 5 thì nên có bài tập về nhà. Vì lúc đó sứckhỏe, tâm lý mọi thứ đều dạn dĩ và học cũng có mục đích rồi” – chị Hương chia sẻ.Chứ không giao hoàn toàn thì khó theo cái chương trình nặng như hiện nay.
Một thực tế được chị Hương quan sát là nhiều phụ huynh phàn nàn về con mình thiếu kỹ năng sống. Nhưng với chương trình học 2 buổi như hiện nay, xong về nhà con phải làm bài tập thì dù muốn dạy cho con biết chia sẻ việc nhà cũng không dám vì sợ không đủ thời gian cho vệ sinh, ăn, học, nghỉ để kịp giờ học lên lớp ngày mai…
“Tôi bó tay” - là than thở của chị Thu Trang. “Tôi bây giờ không biết “đối phó” với cô con gái như thế nào nữa. Từ ngày các cô không chấm điểm, buổi tối tôi bảo con học bài, ôn bài đã rất khó. Tính con vốn bướng bỉnh, bảo nó học bài thì nó không chịu, nói học thế được rồi. Cô bảo “con cần cố gắng hơn” chứ có bảo con phải học đâu. Nói thế thì cố mà học thì nó lại giơ bài có chữ “cô khen” ra dọa mẹ.
Nếu cô giao bài tập còn có lý do để ép con học. Bây giờ không chấm điểm, không có bài tập, con không chịu áp lực bài vở ở trường nên tối chỉ thích xem tivi”.
Có hay không, tối con vẫn phải học
Chị Ngọc Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá bình thản với thông tin này. Chị Ngọc Anh cho biết, cô con gái của chị năm nay học lớp 4 đã thường xuyên làm bài tập mẹ giao thêm từ năm lớp 1.
“Cháu học khá nhanh, nên ngay từ khi bắt đầu đi học tôi đã rèn nếp cho cháu mỗi tối học thêm từ 1 – 1,5 tiếng. Bài tập cô giao cho cháu hoàn thành nhanh, nên tôi thường lên mạng sưu tầm thêm bài cho cháu làm. Nếu cháu xong bài tập cô giao sớm, tôi sẽ lấy bài mình sưu tầm ra cho cháu học đủ thời gian mỗi tối. Bây giờ nếu cô không giao bài tập nữa, tôi sẽ tìm thêm bài toán, tiếng Anh để cháu duy trì nếp học tối ở nhà. Có thể tôi sẽ chọn thêm một số truyện để cháu đọc. Nhưng quan điểm của tôi là mỗi tối cháu vẫn phải ngồi vào bàn học, không thể để thoải mái được, vì khi lên cấp 2 bài vở nặng hơn, nếu bây giờ cho xả hơi khi lên lớp lớn tập lại nếp học sẽ rất vất vả”.
“Không giao bài tập là đúng quá rồi” – chị Thúy Hạnh (Hà Đông) nhận xét. Có con trai học lớp 1, chị Hạnh cho biết môn toán và tập viết đều có vở bài tập kèm theo. Buổi tối cho con làm các bài trong vở đó là đã hết thời gian, nếu cô cho thêm bài nữa thì quá căng thẳng.
Chương trình học phải thay đổi…
Chị Hương ủng hộ chủ trương không giao bài tập về nhà với điều kiện, Bộ GD-ĐT phải thay đổi cả chương trình từ tiểu học lên THCS. Còn với cách làm như hiện nay, tiểu học thay đổi nhưng lên THCS lượng bài lại nặng thì các con sẽ không theo được.
“Hoặc với cách làm hiện nay, nếu không phải học ở nhà thì ở trường, các con sẽ phải bớt các môn học khác để học hết chương trình tiểu học thì áp lực không dồn vào lúc này thì sẽ dồn vào lúc khác mà thôi” – chị Hương lo lắng.
Cho nên, chị Hương ủng hộ việc giảm bớt giao bài tập về nhà thay vì không giao.
Đồng quan điểm, chị Ngân cho rằng, gốc là ở vấn đề chương trình học nặng - nếu không được cho bài tập về nhà, thì thế nào khi ở trườngcác con cũng lại phải ép học nhiều hơn.
Chị Ngân ví von, cũng giống như nguyên tắc Vật lý "chuyển hóa về lượng dần dần sẽ kéo theo chuyển hóa về chất". Quan trọng là chương trình học phải sửa đổi dần cho phù hợp và phải học tập các nước có nền giáo dục phát triển và khả thi. Hơn nữa, cũng nên có những nghiên cứu và truyền thông tốt hơn để các phụ huynh hiểu và đánh giá đúng lực học của con mà có phương pháp giáo dục phù hợp.
“Chương trình giáo dục tiểu học của Việt Nam bắt học sinh thụ động quá” – chị Ngân nhận xét. Nếu giúp các con học chủ động, bớt đi những cái rườm ra không cần thiết thì sẽ có hướng phát triển có định hướng hơn. Ví như: Tả về con vật, không nhất thiết phải giới hạn con lợn, con mèo, con chó…mà nên để trò tả con vật yêu thích…
Chị Lê Thúy (Hà Đông, Hà Nội) có con học lớp 2 tỏ ra lo lắngvì sợ không có phương pháp để giúp con hiểu bài. “Tôi đã mua các loại sách tham khảo, giúp con học tốt môn Toán, tiếng Việt…để hỗ trợ con khi cô không giao bài tập về nhà nữa” – chị Thúy nói. Nếu không, lên lớp con không theo được chương trình, cô cũng không đủ thời gian giám sát đủ 60 học sinh.
Bạn có cùng quan điểm với các phụ huynh nói trên hay có cách làm khác giúp con theo kịp chương trình mà không áp lực?
Theo Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo