Bộ cấp phép thăm dò, tỉnh phản đối
Nguyên nhân là tại doanh nghiệp?
Công ty cổ phần đầu tư khai khoáng Núi Cao (sau đây gọi tắt là Cty Núi Cao) là một doanh nghiệp cổ phần được thành lập vào năm 2010, có địa chỉ tại số 20 Lê Văn Tám, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ngày 28/11/2011, Công ty được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò quặng thiếc số 525/GP-BTNMT - thời hạn 24 tháng trên diện tích 26,1 km2 tại khu vực Núi Cao thuộc xã Đạ Sar và xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Kể từ khi được cấp phép, Cty Núi Cao đã cố gắng huy động nhân lực, tài lực, kể cả việc thuê lực lượng cảnh sát bảo vệ & cơ động công an tỉnh Lâm Đồng (thời gian đầu) nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự để hoàn thành thăm dò đúng hạn theo giấy phép được cấp. Nhưng vì chưa lường hết các khó khăn khi phải triển khai công việc trên một địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, mưa nhiều, cộng thêm một số dự án nông lâm nghiệp trồng lấn, xen kẽ. Đặc biệt phải kể đến tình trạng quặng tặc khai thác trái phép từ trước khi Công ty được cấp phép thăm dò xảy ra một cách phổ biến, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ của đề án.
Chính vì vậy khi hết hạn cấp phép, Cty Núi Cao đã làm các thủ tục xin gia hạn và được thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc ký thay Bộ trưởng cấp phép gia hạn thăm dò số 1708/ GP-BTNMT ngày 12/9/2013 - thời hạn 36 tháng. Trước đó, ngày 07/5/2013, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã có công văn số 977/ĐCKS-KS xin ý kiến UBND tỉnh Lâm Đồng về việc chấp hành pháp luật đối với Cty Núi Cao để có đủ cơ sở báo cáo Bộ TN&MT nhưng không nhận được phúc đáp của UBND tỉnh.
Không đồng ý với Quyết định gia hạn trên, ngày 09/10/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 5979 đề nghị Bộ TN&MT xem xét lại việc gia hạn giấy phép thăm dò đã cấp cho Cty Núi Cao. Tiếp đó, ngày 05/11/2013, ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 6674/ UBND-ĐC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc. Mặc dù trước đó chính Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục khoan thăm dò.
Về phía cơ quan tham mưu, ông Huỳnh Thiên Tính - Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Doanh nghiệp không vi phạm gì, có thể có khai thác quặng trái phép nhưng không bắt được họ vi phạm, không lập được cái biên bản nào thì làm sao mà cấm. Nếu không có Cty Núi Cao thì tanh bành lâu rồi, giờ họ bỏ đi không giữ cho nữa thì lấy ai trông coi, bảo vệ khu vực này.
Còn theo lời ông Phạm Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương thì: UBND huyện phối hợp cùng các đơn vị chức năng tiến hành truy quét quặng tặc tổng cộng cho tới thời điểm này là 15 đợt tại khu vực Cty Núi Cao được cấp phép khoan thăm dò quặng thiếc. Thu hồi, phá huỷ rất nhiều phương tiện, máy móc của các đối tượng khai thác trái phép nhưng... không bắt được đối tượng nào.
Khi được hỏi "Cty Núi Cao có vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản?". Ông Phạm Triều khẳng định: Tôi cho rằng họ chấp hành đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản nhưng tiến độ thăm dò còn chậm. Cty Núi Cao chưa từng bị xử phạt về việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Nhưng họ cũng không phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc truy quét quặng tặc.
Hay vì một lí do nào khác?
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 13, Đại biểu Quốc hội Ya Duck, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng có phiếu chất vấn gửi tới Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc vì sao vẫn cấp giấy phép gia hạn cho Cty Núi Cao thăm dò quặng thiếc tại khu vực Núi Cao tỉnh Lâm Đồng, mặc dù đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị không gia hạn thăm dò. Trước đó tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản đề nghị Bộ TN&MT giải thích việc này và được phúc đáp bằng Văn bản số 4388/ BTNMT-TCĐCKS ngày 23/11/2011.
Trả lời về việc này, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Công văn số 3758, ngày 03/9/2014 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng giải thích vì sao Bộ TN&MT vẫn cho phép Cty Núi Cao được tiếp tục khoan thăm dò quặng thiếc tại khu vực Núi Cao.
Công văn nêu rõ: Việc gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản là đúng với các quy định của pháp luật về khoáng sản, đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Để xử lý các vấn đề phát sinh, ngoài việc phúc đáp UBND tỉnh Lâm Đồng về nội dung liên quan, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã có văn bản đề nghị Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85)- Tổng cục An ninh 2 - Bộ Công an điều tra, làm rõ các vấn đề UBND tỉnh Lâm Đồng đã nêu. Theo văn bản phúc đáp của A85 thì "hoạt động khai thác quặng thiếc trái phép xác định tại 07 khu vực tồn tại trong thời gian dài, thuộc trách nhiệm của nhiều đơn vị chức năng trong đó có BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim..."
Để có thêm tiếng nói đa chiều, phóng viên đã liên lạc với ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Phạm Quang Tường - PGĐ sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng; ông Ya Duck - đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng để làm rõ vấn đề này nhưng rất tiếc cả 3 ông đều đi công tác.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Văn Bảo, Tổng Giám đốc Cty Núi Cao chia sẻ: Là những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực khai khoáng nên chúng tôi đã lập đề án để xin phép khoan thăm dò nhằm đánh giá chính xác trữ lượng quặng thiếc tại Núi Cao. Cho tới thời điểm này, doanh nghiệp đã tiến hành khoan thăm dò hơn 10 mũi và phấn đấu kết thúc năm 2014 sẽ xong cơ bản việc này để tổng hợp báo cáo với UBND tỉnh, Bộ TN&MT về chất lượng, trữ lượng cũng như phương án khai thác đối với số quặng thiếc hiện có. Theo ước tính, có khoảng 7000 tấn thiếc nằm sâu trong lòng đất. Nhưng để có con số chính xác thì chúng tôi phải hoàn thành công tác khoan thăm dò trước đã.
Tính tới thời điểm này, tổng số tiền mà doanh nghiệp đầu tư vào dự án ước chừng 30 tỉ đồng và vẫn đang đầu tư tiếp. Còn việc UBND huyện cũng như UBND tỉnh cho rằng chúng tôi phải chịu một phần trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương thì tôi xin nói thẳng rằng đó không phải là công việc của chúng tôi. Nói như thế không phải vì doanh nghiệp vô trách nhiệm trong chuyện này bởi kể từ sau khi hết hạn hợp đồng thuê lực lượng cảnh sát bảo vệ & cơ động công an tỉnh Lâm Đồng thì doanh nghiệp đã thuê một công ty vệ sĩ trên địa bàn tỉnh, thường xuyên cắt cử người túc trực cùng với lực lượng bảo vệ của công ty trong việc tuần tra nhằm phát hiện các đối tượng khai thác trái phép để báo về cho lãnh đạo địa phương. Vậy nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần các lực lượng địa phương tiến hành truy quét thì lại chỉ thu giữ được phương tiện, máy móc chứ không bắt được người. - Ông Bảo trần tình.
Việc một doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, khi hết hạn, nếu xét thấy đủ điều kiện thì chuyện được phép gia hạn không có gì là trái pháp luật cả. Rất mong các cơ quan ban ngành của tỉnh Lâm Đồng sớm có cái nhìn đồng thuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoạt động một cách tốt nhất, góp phần vào việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Về đề nghị không gia hạn Giấy phép thăm dò do đây là khu vực rừng đầu nguồn thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Theo quy định tại khoản 3, Điều 28; khoản 1, khoản 2, Điều 46 Luật khoáng sản, nếu chủ đầu tư không vi phạm pháp luật, nhà nước yêu cầu chấm dứt hoạt động thăm dò tại khu vực nêu trên để công bố là khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, thì phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp.
(Nguồn: Trích Công văn số 3758, ngày 03/9/2014 của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines