Xã hội

Bộ Công an bị truy vấn về sự lãng phí Chứng minh thư nhân dân 12 số

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay (9.6) về dự thảo Luật Căn cước công dân, Báo Lao Động đã đặt câu hỏi với đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) về nguy cơ chồng chéo và lãng phí, khi Bộ Công An đang thí điểm chứng minh thư nhân dân (CMTND) 12 số mới, trong bối cảnh CMTND 9 số vẫn đang lưu hành, và thẻ căn cước công dân dự kiến có hiệu lực từ 2016.

Câu hỏi của PV  đã được đại biểu Trần Du Lịch chuyển thành phiên chất vấn nóng bất ngờ với đại diện Bộ Công an, khi nghe trình bày về mô hình thẻ căn cước công dân.

Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế - Bộ Công An) đã giới thiệu về mẫu CMTND 12 số hiện đang được thí điểm tại Hà Nội. Ông Cương cho biết, thẻ căn cước công dân, khi được lưu hành, sẽ có hình dạng tương tự, chỉ thay đổi mỗi tên gọi. Ông Cương khẳng định, trong thẻ này có chứa rất nhiều thông tin cá nhân, bao gồm mã vạch chứa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước. Theo đại diện Bộ Công An, CMTND mới có 12 số và cấp cho mỗi công dân một số duy nhất. Như vậy, mỗi người từ khi sinh ra sẽ có một số nhất định, và sẽ không được cấp cho người khác. Ông khẳng định sự ưu việt của CMTND mới, khi nói: “Công nghệ mới khiến không thể làm giả được, cũng không thể một người có 2 CMTND, vì đã sử dụng công nghệ rất cao”.

Tiếp tục phần trình bày, ông Cương cho hay Bộ Công An đang làm đề án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, và chỉ chờ chính phủ duyệt là tiến hành. Bộ Công An đã làm thí điểm tại Hà Nội, và đang mở rộng triển khai theo mẫu mới đến 5 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam và Thái Bình. Đại diện Bộ Công An tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc áp dụng mẫu CMTND mới, như “mẫu mới nhỏ gọn”, “mã vạch 12 số sẽ được “cấp mỗi số cho 1 công dân từ khi sinh ra đến khi chết đi và không cấp cho người khác”. Theo ông Cương, mã 12 số này chính là số CMND, số thẻ căn cước đồng thời là số định danh của công dân. Ngay sau đó, đại biểu Trần Du Lịch đã chất vấn đại diện Bộ Công An
 
Đại biểu Trần Du Lịch: Báo Lao Động có hỏi tôi, nếu dự luật cấp thẻ căn cước công dân được áp dụng từ 1.7 năm tới, thì tại sao lại còn áp dụng CMTND 12 số này?
 
Ông Đỗ Văn Cương: Theo Bộ Công An, khi sử dụng công nghệ cũ với chất liệu bằng giấy thì có nhiều trường hợp một người có 2 số CMTND. Và với công nghệ cũ làm giả rất nhiều.
 
Đại biểu Trần Du Lịch: Nhưng vấn đề là 1.7.2015 là có hiệu lực về thẻ căn cước công dân thì lại còn chuyển CMTND 12 số?
 
Ông Đỗ Văn Cương: Ban Soạn thảo đã tiếp thu, song do chưa chỉnh lý kịp nên vẫn đưa dự thảo cũ, và chấp nhận sẽ lùi thời hạn có hiệu lực từ 1.1.2016
 
Đại biểu Trần Du Lịch: Kể cả như vậy thì cũng chỉ là thêm nửa năm nữa. Vấn đề là vì sao lại vẫn đổi (CMTND 12 số-PV)? Vì sao ta không đợi để làm luôn. Ví dụ, người chưa làm thẻ mà đến hạn làm, thì việc cấp CMTND 12 số là chấp nhận được. Nhưng người đang có CMTND rồi, thì tại sao bắt mọi người đổi thẻ. Tôi thấy như Bộ Công An và Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo dự luật này không có sự nhất trí?
 
Ông Đỗ Văn Cương: Cái này không đổi luôn một lúc, vì có người được cấp CMTND rồi, nhưng hạn sử dụng vẫn còn. Trong những cái có hiệu lực, nếu đến hạn thì đổi, còn nếu vẫn muốn sử dụng cái cũ thì thôi. Thứ hai là không thể làm đồng thời cùng lúc.
 
 Mẫu Thẻ Căn cước công dân
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương: Ý của đại biểu Trần Du Lịch là dự án này tại sao không để đến 2016 rồi đổi luôn (thẻ căn cước công dân). Tại sao giờ lại thí điểm đổi (CMTND 12 số) làm gì cho tốn kém ra? Ta cứ sử dụng cái cũ thôi.
 
Đại biểu Trần Du Lịch: Vì sao chúng ta lại thí điểm. Cái gì cũng thí điểm tốn kém quá. Đây là một sự lãng phí.
 
Ông Đỗ Văn Cương: Hiện mẫu CMTND mới đang chỉ làm thí điểm tại 4 quận của Hà Nội.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương: Việc thí điểm đổi CMTND mới này ảnh hưởng rất lớn đến giao dịch bình thường của người dân, vì nó liên quan đến nhà đất, rồi các tài sản khác. Giờ lại theo cái mới này thì gây khó cho người dân. Chỗ đổi, chỗ không như vậy là rất khó.
 
 CMTND 12 số được cho là chỉ khác Thẻ căn cước công dân về tên gọi
 
Kết thúc phiên "chất vấn" bất ngờ, ông Huỳnh Thành Lập – Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hồ Chí Minh – đã đề nghị đại diện Bộ Công An Đỗ Văn Cương ghi nhận ý kiến của các đại biểu QH Trần Du Lịch và Đỗ Văn Đương để báo cáo lên Trưởng Ban Soạn thảo.
 
Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải đưa thêm chi tiết công dân vào thông tin ghi trên thẻ như nhóm máu, màu mắt, cũng như cần có quy định rõ về cách ghi nguyên quán, sinh quán –  hiện vốn được cho là rất lộn xộn và không rõ ràng. 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo